Sự phát triển thể chất phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giống nòi, văn hoá, chế độ dinh dưỡng, chế độ sinh hoạt (thể dục thể thao, lao động...).
Các chỉ số phát triển thể chất
1. ở trẻ trai
- Tăng trưởng nhảy vọt về thể lực, thường bắt đầu từ 13 – 14 tuổi (muộn hơn so với trẻ gái) với mức tăng trưởng chiều cao 8-13 cm/năm (trung bình 9cm/năm, và 25 cm/cả đợt). Về cân nặng tăng trung bình 4-4,5kg/năm, đỉnh cao là 5-6kg/năm ở giai đoạn 14-15 tuổi. Sau giai đoạn dậy thì sự phát triển chiều cao và cân nặng bị chững lại, sự phát triển chiều cao kết thúc ở độ tuổi 20-25.
- Hệ thống cơ bắp phát triển mạnh mẽ, nhất là cơ cánh tay, các cơ ở ngực và vai phát triển nhiều tạo nên dáng vẻ của một nam thanh niên.
- Về sinh dục: Thay đổi đầu tiên là sự phát triển của tinh hoàn, tinh hoàn to ra (4-20ml), thường bắt đầu ở độ tuổi 10-13,5 tuổi, hoàn thiện khi 14,5 – 18 tuổi. Dương vật phát triển, tăng lên về kích thước và có hiện tượng xuất tinh sau khi tinh hoàn phát triển khoảng 1 năm (độ tuổi 14,5 – 15 tuổi), kèm theo là sự phát triển của các đặc tính sinh dục phụ (lông mu, lông nách, râu...).
- Phát triển tuyến bã và tuyến mồ hôi gây nên mùi của cơ thể, mụn trứng cá xuất hiện nhiều ở giai đoạn này do tăng tiết Androgen, đây là mối bận tâm ở thanh thiếu niên ở giai đoạn này.
- Thay đổi giọng nói: diễn ra từ từ và tương đối muộn, đến tuổi dậy thì giọng nói của trẻ trai trở nên trầm hơn và sâu hơn do ảnh hưởng của Testosterone, hoóc môn này khiến cho thanh quản của trẻ trai trở nên rộng hơn, dây thanh âm trở nên dài và dày hơn do vậy giọng nói trở nên trầm hơn. Dấu hiệu đầu tiên của hiện tượng vỡ giọng là thỉnh thoảng nghe giọng the thé hoặc như vỡ giọng khi nói, sự thay đổi này có thể xẩy ra từng lúc, nhiều bạn trẻ tỏ ra băn khoăn lo lắng về sự biến đổi này.
2. ở trẻ gái
- Sự phát triển chiều cao, cân nặng thường bắt đầu lúc 10 – 11 tuổi và kết thúc lúc 14 – 15 tuổi. Thông thường sau 18 tuổi không phát triển thêm về chiều cao. Trẻ gái tăng trung bình 3 – 3,5 kg/ năm, đỉnh cao là 4 kg/năm ở giai đoạn 12 -13 tuổi. Về chiều cao tăng 6 – 11 cm/năm (trung bình là 8cm/năm, và 20cm/cả đợt). Tuy nhiên sự phát triển chiều cao và cân nặng có thể xẩy ra sớm hay muộn hơn đối với từng cá thể, và sự phát triển chi và thân cũng không giống nhau, thông thường thì chi phát triển nhanh hơn phần giữa cơ thể. Sau giai đoạn dậy thì sự phát triển chiều cao và cân nặng bị chững lại, sự phát triển chiều cao kết thúc ở độ tuổi 19-21.
- Thay đổi trước tiên là tuyến vú, từ 8 – 13 tuổi (trung bình 11 tuổi) và hoàn tất ở tuổi 13 – 18 (trung bình 15 tuổi), một vú có thể phát triển nhanh hơn vú bên kia.
- Khung chậu: So với trẻ trai thì khung chậu ở trẻ gái rộng hơn.
- Đùi thon hơn trẻ trai và lớp mỡ dưới da phát triển hơn.
- Phát triển và hoạt động của tuyến bã và tuyến mồ hôi làm cơ thể có mùi và tăng tiết chất nhầy và trứng cá (ít hơn ở trẻ trai).
- Tiếng nói trở nên trong trẻo, nhẹ nhàng.
- Sự phát triển lông mu và lông nách chia 5 giai đoạn:
+ Giai đoạn 1: Lông tơ.
+ Giai đoạn 2: Lông bắt đầu mọc thẳng, có sắc tố ở vùng môi lớn.
+ Giai đoạn 3: Lông bắt đầu xoăn và mọc về phía mu.
+ Giai đoạn 4: Lông mọc rộng ra trong 5-6 tháng.
+ Giai đoạn 5: Kéo dài khoảng 18 tháng, lông mọc đến vùng bẹn.
- Hoàn chỉnh sự phát triển về bộ phận sinh dục:
+ Âm hộ: âm hộ trẻ em hướng ra trước, nay hướng từ trên xuống dưới, từ trước ra sau, các môi bé và âm vật to ra và tăng sắc tố.
+ Âm đạo lớn, thành âm đạo dày, môi trường âm đạo chuyển từ tính kiềm sang tính axít.
+ Tử cung phát triển, thành cơ tử cung trở nên lớn và hoàn thiện hơn, tỷ lệ phần cổ và thân tử cung thay đổi.
+ Kinh nguyệt xuất hiện
Cao Thị Xuân Trang: Trung tâm CSSKSS Khánh Hòa
Sưu tầm.