THỰC PHẨM CHỨC NĂNG – NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

12/08/2024 09:47        

DS. Lê Nguyễn Quỳnh Trang - Khoa Dược Cận lâm sàng

        1. Thực phẩm chức năng là gì?

        Bộ Y tế Việt Nam định nghĩa thực phẩm chức năng: là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể người, có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ gây bệnh.

        Tùy theo công thức, hàm lượng vi chất và hướng dẫn sử dụng, thực phẩm chức năng còn có các tên gọi sau: thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, sản phẩm dinh dưỡng y học.

Thực phẩm chức năng không chỉ mang tới nhiều lợi ích tích cực đến sức khỏe và giảm nguy cơ mắc bệnh. Đặc biệt, việc sử dụng thực phẩm chức năng giúp ngăn ngừa sự thiếu hụt về dinh dưỡng, hỗ trợ sự phát triển và tăng trưởng ở trẻ nhỏ.

 

           2. Thực phẩm chức năng có mấy loại?

Thực phẩm chức năng được chia làm hai loại: thực phẩm thông thường và thực phẩm tăng cường.

  • Thực phẩm thông thường: cung cấp các thành phần hoàn toàn tự nhiên, cung cấp những chất dinh dưỡng quan trọng như vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa và chất béo có lợi cho tim.
  • Thực phẩm tăng cường: được bổ sung thêm một số thành phần, ví dụ như vitamin, khoáng chất, chế phẩm sinh học, hoặc chất xơ, để tăng cường thêm lợi ích về sức khỏe của món ăn đó.

 

 

         3. Phân biệt thực phẩm chức năng

Thực phẩm chức năng khác với thực phẩm

  • Được sản xuất, chế biến theo công thức, bổ sung một số thành phần có lợi hoặc loại bớt một số thành phần bất lợi theo tiêu chuẩn được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
  • Có tác dụng với sức khỏe nhiều hơn là các chất dinh dưỡng thông thường.
  • Liều sử dụng thường nhỏ, thậm chí tính bằng gram, miligram như là thuốc.
  • Đối tượng sử dụng được chỉ định rõ ràng như người già, trẻ em, phụ nữ tuổi mãn kinh. Đặc biệt dành cho người có hội chứng thiếu vi chất, rối loạn chức năng sinh lý nào đó…

 Thực phẩm chức năng không phải là thuốc

  • Đối với thực phẩm chức năng, nhà sản xuất công bố trên nhãn sản phẩm là thực phẩm. Thực phẩm chức năng phải đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn sức khỏe, phù hợp với các quy định về thực phẩm.
  • Đối với thuốc, nhà sản xuất công bố trên nhãn là sản phẩm thuốc, có tác dụng chữa bệnh, phòng bệnh với công dụng, chỉ định, liều dùng, chống chỉ định. Thuốc là những sản phẩm để điều trị và phòng bệnh, được chỉ định để nhằm tái lập, điều chỉnh hoặc sửa đổi chức năng sinh lý của cơ thể.
  • Người tiêu dùng có thể tự sử dụng thực phẩm chức năng theo “hướng dẫn sử dụng” của nhà sản xuất mà không cần khám bệnh, hoặc thầy thuốc phải kê đơn…

           4. Đối tượng nào cần bổ sung thực phẩm chức năng

Đối với bà mẹ mang thai, nồng độ acid folic thấp có thể làm tăng nguy cơ dị tật ống thần kinh làm ảnh hưởng đến não, tủy sống hoặc cột sống. Một số thực phẩm chức năng cung cấp các chất dinh dưỡng rất cần thiết cho sự tăng trưởng, phát triển ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, ví dụ như: ngũ cốc xay thành bột thường được bổ sung các vitamin B như acid folic, rất cần thiết cho sức khỏe của thai nhi. Ngoài ra, các chất dinh dưỡng khác thường được tìm thấy trong thực phẩm chức năng đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng và phát triển của trẻ như acid béo, omega-3, sắt, kẽm, canxi và vitamin B12.

Thực phẩm chức năng cung cấp các chất dinh dưỡng quan trọng có thể giúp hỗ trợ, phòng ngừa và bảo vệ chống lại bệnh tật như:

  • Thực phẩm chức năng có chứa các thành phần L-carnitine, L-arginine, kẽm hỗ trợ tăng cường sức khỏe dành cho nam giới có dự định sinh con, tăng cường sinh lý nam.
  • Thực Phẩm chức năng chứa D-Chiro-Inositol, Myo-Inositol, acid folic, kẽm và vitamin E hỗ trợ sức khỏe cho phụ nữ dự định mang thai, đang mang thai, phụ nữ bị đa nang buồng trứng.
  • Thực phẩm chức năng giàu chất chống oxy hóa: giúp ngăn ngừa tổn thương tế bào và một số bệnh mạn tính, bao gồm bệnh tim, ung thư và tiểu đường.
  • Thực phẩm chức năng chứa nhiều axit béo omega-3: giúp giảm viêm, tăng cường chức năng não và tăng cường sức khỏe của tim.
  • Thực phẩm chức năng giàu chất xơ: thúc đẩy kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn và bảo vệ chống lại các bệnh lý như tiểu đường, béo phì, bệnh tim và đột quỵ. Chất xơ cũng có thể giúp ngăn ngừa rối loạn tiêu hóa, bao gồm viêm ruột kết, loét dạ dày, trĩ.

       5. Những lưu ý khi lựa chọn và sử dụng thực phẩm chức năng

 Bắt đầu sử dụng với liều lượng thấp để cơ thể thích ứng dần giúp tác dụng chậm và từ từ và giảm nguy cơ mắc phải hội chứng ruột kích thích.

 Không sử dụng trong thời gian quá dài sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Ngoài ra có một số loại thực phẩm chức năng được bác sĩ kê đơn điều trị bệnh thì cần tuân thủ theo đúng liệu trình.

 Hầu hết các loại thuốc bổ, thực phẩm chức năng đều được bán ra với giá khá cao, chưa chắc nó đã tốt hơn những loại thuốc bổ sung có hoạt chất tương tự nhưng rẻ hơn.

 Cần xem xét kỹ nhãn bao bì và hướng dẫn sử dụng, thông tin về đối tượng, những khuyến cáo trong quá trình sử dụng, phải đảm bảo không có chất phụ gia gây hại, sử dụng thuốc trừ sâu hay thuốc diệt cỏ, các thành phần gây dị ứng.

 Liên hệ với cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời khi cơ thể có những phản ứng bất thường với thực phẩm chức năng như: dị ứng, buồn nôn chóng mặt./.

 

 

Liên kết