ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TYPE Ở TRẺ EM

12/11/2015 16:25        
Gia tăng số người mắc?
Hiện nay chúng ta chưa có điều tra dịch tễ nên về mặt khoa học thì chưa thể nói là số người mắc tăng hay giảm. Tuy nhiên, có một số nguyên nhân làm gia tăng số người mắc ĐTĐ týp 1 trong thời gian gần đây là do dân số đông hơn nên số người mắc nhiều hơn. Bên cạnh đó là do có sự vào cuộc của các phương tiện thông tin đại chúng đã nâng cao nhận thức của người dân về bệnh đái tháo đường, trong đó có đái tháo đường týp 1 nên số trẻ đi khám, xét nghiệm và phát hiện bệnh sớm nhiều hơn.

Phân loại đái tháo đường týp 1
Đái tháo đường týp 1 được phân làm 2 loại là đái tháo đường týp 1 do bệnh tự miễn dịch và đái tháo đường týp 1 vô căn (không thấy căn nguyên tự miễn)

Đái tháo đường týp 1 do bệnh tự miễn dịch, còn gọi là đái tháo đườngphụ thuộc insulin, đái tháo đường týp 1 hoặc đái tháo đường ở người trẻ do phá huỷ tế bào bêta tuyến tụy bởi chất trung gian miễn dịch. Sự phá huỷ này có thể nhanh hoặc chậm. Dạng phá hủy nhanh thường xảy ra ở trẻ em, nhưng cũng có khi gặp ở người lớn. Dạng phá huỷ chậm thông thường hay gặp ở người lớn gọi là đái tháo đường tự miễn dịch âm ỉ ở người lớn.

Nhiều bệnh nhân, đặc biệt là trẻ em và trẻ vị thành niên biểu hiện nhiễm toan ceton là triệu chứng đầu tiên của bệnh. Nhưng cũng có người chỉ có tăng đường máu lúc đói vừa phải và bệnh nặng lên rất nhanh khi có nhiễm khuẩn hoặc stress. Thậm chí có người (thường là người lớn) vẫn còn đủ tế bào bêta sản xuất insulin nên không bị nhiễm toan ceton trong nhiều năm liền.

Đái tháo đường týp 1 vô căn (không thấy căn nguyên tự miễn): Một số thể đái tháo đường týp 1 vẫn chưa biết rõ bệnh căn. Những bệnh nhân này có thiếu hụt tiết insulin thường xuyên và có khuynh hướng nhiễm toan ceton nhưng không thấy rõ bằng chứng bệnh lý tự miễn dịch.

Chẩn đoán đái tháo đường
Chẩn đoán ĐTĐTE gồm 4 giai đoạn:
- Giai đoạn chẩn đoán sớm chưa có biểu hiện lâm sàng: Chính vì chưa có biểu hiện lâm sàng, nên bệnh chỉ được phát hiện khi được khám và làm các xét nghiệm.

- Giai đoạn bị bệnh đái tháo đường: Đây là giai đoạn đã có những triệu chứng, với hai đặc điểm lâm sàng là:
Khởi phát đột ngột và cấp tính: Bệnh nhân đái nhiều, uống nhiều, mất nước, rối loạn nhịp thở Kussmaul, nhiễm toan ceton và hôn mê.
Khởi phát từ từ: Người bệnh đái nhiều, uống nhiều, ăn nhiều và gầy sút cân trong vài tuần hoặc vài tháng. Kèm theo các triệu chứng khác như: đái dầm dai dẳng, đau bụng, nôn, nhiễm trùng sinh dục và da tái diễn, mệt mỏi, giảm tập trung khi học.
Cần đưa trẻ đi làm xét nghiệm glucose máu và niệu để phát hiện bệnh ĐTĐTE khi có đái nhiều, uống nhiều và gầy sút cân.

- Giai đoạn thuyên giảm một phần “Tuần trăng mật”: Bệnh nhân không cần dùng insulin ngoại sinh vì glucose máu, HbA1C bình thường, nhu cầu insulin thấp < 0.5 u/kg/ngày. Khoảng 30 - 60% trẻ em có giai đoạn thuyên giảm bệnh sau 1 - 6 tháng bắt đầu điều trị insulin. Do đó với bệnh nhân mới chẩn đoán ĐTĐ phải giám sát chặt chẽ glucose máu trong 6 tháng đầu điều trị insulin.

- Giai đoạn đái tháo đường vĩnh viễn, toàn bộ tế bào beta bị phá hủy, thiếu insulin toàn bộ: đái nhiều, uống nhiều, ăn nhiều, giảm cân, mệt mỏi, thị lực giảm, mất nước và có thể đái đường nhiễm toan ceton. Đặc điểm ít gặp ở trẻ dưới 1 tuổi, tuổi mắc bệnh tăng dần và tuổi thường bị ĐTĐ khi dậy thì 10 - 14 tuổi.

Điều trị như thế nào cho trẻ?
Hầu hết trẻ em mắc ĐTĐ cần được điều trị insulin, cần được cung cấp insulin hằng ngày (tác dụng nhanh và chậm) và tăng lượng insulin theo tuổi.

Thường trong những năm đầu sau khi chẩn đoán bị bệnh, con bạn có thể chỉ cần một lượng nhỏ insulin. Đây được coi là thời kỳ đầu tiên của bệnh.

Cũng như điều trị insulin, điều chỉnh lượng đường glucose tốt và tránh giảm lượng đường trong máu là rất quan trọng. Vì có nhiều loại bệnh ĐTĐ phức tạp tăng thêm cùng với bệnh tiểu đường đang mắc phải trong thời gian dài mắc bệnh.

Khó khăn với người bệnh
Khi mắc bệnh ĐTĐ do phải điều trị lâu dài, trong khi nhiều gia đình bệnh nhân lại có nguồn thu nhập hạn hẹp nên rất khó khăn trong việc điều trị. Chính vì vậy, cần tuyên truyền để người dân tích cực tham gia BHYT và BHYT cần hỗ trợ cho bệnh nhân máy đo đường huyết…

Khi phải tiêm insuliun hàng ngày, kiểm tra đường huyết 4 lần/ngày, đối với trẻ em là rất khó khăn, nhiều trẻ không biết cách tự tiêm insulin, khó kiểm soát được chế độ ăn…, chính vì vậy nhiều cha mẹ tìm những cách chữa trị bệnh khác cho trẻ như dùng thuốc Nam nhưng đây là một sai lầm không nên mắc phải vì chỉ có tiêm insulin hàng ngày mới là phương pháp điều trị hiệu quả nhất.



Trần Trương Đài
Trung tâm CSSKSS Khánh Hòa

Theo suckhoedoisong.vn

 

Liên kết