TÌM HIỂU VỀ NHÓM MÁU Rh(-) VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT ĐỐI VỚI NHỮNG NGƯỜI CÓ NHÓM MÁU NÀY

19/06/2015 14:07        
Mỗi hệ nhóm máu lại có các nhóm máu khác nhau do sự có mặt hay không có mặt của kháng nguyên trên bề mặt hồng cầu và kháng thể trong huyết thanh của người đó. Ví dụ: hệ ABO có 4 nhóm máu: A, B, AB và O; hệ Rh có 2 nhóm máu là Rh+ và Rh-.

Chỉ tính riêng 2 hệ nhóm máu ABO và hệ Rh, cộng đồng người đã có 8 nhóm máu khác nhau là: A+; A-; B+; B-; AB+; AB-; O+; O- (A+ nghĩa là người đó vừa có nhóm máu A thuộc hệ ABO vừa có nhóm máu Rh+ thuộc hệ Rh. Dấu (+) hoặc dấu (-) chỉ ra rằng bề mặt hồng cầu của người đó có kháng nguyên Rh, viết đầy đủ là Rh(D)+ trong trường hợp thứ nhất hoặc không có kháng nguyên Rh, viết đầy đủ là Rh(D)- trong trường hợp thứ 2). Mỗi người khi sinh ra đã được thừa hưởng di truyền từ bố và mẹ nên có 1 trong 8 nhóm máu nêu trên và không thay đổi suốt cuộc đời.
 
Ở Việt Nam, có tới 99,96% số người thuộc nhóm máu Rh+ (hoặc O+ hoặc B+ hoặc A+ hoặc AB+, xếp theo tỷ lệ giảm dần) nhưng chỉ có 0,04%-0,07% số người thuộc nhóm máu Rh- (hoặc O- hoặc B- hoặc A- hoặc AB-). Theo quy định của Hiệp hội Truyền máu quốc tế, nhóm máu có tỷ lệ dưới 0,1% trong cộng đồng được gọi là nhóm máu hiếm và dưới 0,01% gọi là nhóm máu rất hiếm. Như vậy, những người có nhóm máu Rh- ở nước ta thuộc cộng đồng người có nhóm máu hiếm (trong 10.000 người mới có 4-7 người mang nhóm máu Rh-).

Trong cuộc sống, những người có nhóm máu hiếm Rh- có khả năng gặp rủi ro cao hơn những người có nhóm máu khác bởi các lý do sau đây:
Một là, khi họ cần phải truyền máu (ví dụ do tai nạn gây mất máu; phẫu thuật cấp cứu,…) thì không phải lúc nào cũng có sẵn nhóm máu hiếm đó, nếu cơ sở tiếp nhận máu hoặc bệnh viện không dự trữ đầy đủ tất cả các nhóm máu.
 
Hai là, trường hợp mẹ có nhóm máu Rh-, bố có nhóm máu Rh+, theo quy luật di truyền, có ít nhất 50% trẻ sinh ra có nhóm máu giống bố là Rh+. Trong trường hợp có thai lần thứ nhất, đứa trẻ mang nhóm máu Rh+ vẫn phát triển bình thường cho đến khi ra đời nếu quá trình mang thai, bánh nhau không bị tổn thương. Nhưng từ lần có thai thứ 2 trở đi, nếu con vẫn có nhóm máu Rh+ thì thường xảy ra sự cố nghiêm trọng do bất đồng nhóm máu giữa mẹ và con: vì cơ thể mẹ sinh ra kháng thể đi qua bánh nhau chống lại kháng nguyên Rh(D)+ có trên bề mặt hồng cầu của con và gây ngưng kết hồng cầu, còn gọi là tan máu; hậu quả có thể gây sẩy thai, thai chết lưu, đẻ non, hoặc đứa trẻ sinh ra nhưng bị thiểu năng trí tuệ.

Ba là, với những phụ nữ có nhóm máu Rh- mà đã mang thai có nhóm máu Rh+ thì vẫn có thể xảy ra tai biến truyền máu ngay ở lần nhận máu Rh+ đầu tiên.

Tóm lại, nhóm máu hiếm Rh- là một đặc tính di truyền, giống như màu da, màu tóc… không gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Tuy nhiên, những người có nhóm máu hiếm chỉ có thể truyền máu cho nhau; nếu truyền nhầm nhóm máu Rh+ sang Rh- sẽ xảy ra hiện tượng tan máu, gây sốc, suy thận, trụy tim mạch và tử vong; bất đồng nhóm máu mẹ con là tai biến sản khoa thường gặp nếu người mẹ có Rh- và bố có Rh+. Do chiếm một tỷ lệ rất thấp trong cộng đồng nên những người có nhóm máu Rh- cần được sinh hoạt trong các câu lạc bộ hiến máu tình nguyện (do Hội Chữ thập đỏ hoặc Trung tâm Huyết học-Truyền máu thành lập và quản lý) để được tư vấn về sức khỏe và có cơ hội giúp đỡ nhau trong các trường hợp cần phải truyền máu./.


CN. Vũ Đình Tuấn
TRung tâm CSSKSS Khánh Hòa


Viện Y học truyền máu Trung ương
BS.Võ Đình Vinh 

 

Liên kết