Que thử một vạch nhưng vẫn có thai
Lý do hàng đầu dẫn đến kết quả sai là bạn đã thử thai quá sớm. Khi đó, cơ thể chưa sản xuất nhiều hoóc-môn hCG, loại nội tiết tố được ưu ái gọi là hoóc-môn thai nghén. Nếu nồng độ hCG quá thấp, que thử thai của bạn không thể nhận ra được.
Một nguyên nhân khác khiến que thử không phát huy được tác dụng là do bạn tính sai ngày rụng trứng. Đang trải qua một giai đoạn căng thẳng trong mối quan hệ, tập trung sức lực cho một công việc quan trọng có thể làm chu kỳ của bạn thay đổi và khiến trứng rụng trễ hơn so với thường lệ.
Ngay cả khi trứng đã được thụ tinh đi chăng nữa, khoảng thời gian để nó di chuyển từ ống dẫn trứng vào đến tử cung và làm tổ ở đó cũng khó mà dự đoán được. Chỉ khi trứng đã làm tổ trong tử cung thì cơ thể mới bắt đầu sản xuất ra hCG và que thử thai mới có thể hoạt động chính xác. Nếu kết quả thử thai lần đầu là một vạch, bạn nên thử lại vào ngày đầu tiên bị trễ kinh
Kết quả thay đổi từ hai vạch sang một vạch
Khi trường hợp này xảy ra, bạn đừng quá lo lắng. Có thể lần thử thứ 2 đã được tiến hành không đúng cách. Chẳng hạn, bạn dùng 2 loại que thử khác nhau cho mỗi lần thử và quên đọc hướng dẫn cho lần thứ 2. Thực tế, mỗi sản phẩm có một yêu cầu riêng và bạn cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và làm theo mới cho ra kết quả đúng.
Một nguyên nhân khác là do bạn không thử thai ngay khi thức dậy. Dòng nước tiểu đầu tiên trong ngày sẽ có nồng độ hCG cao hơn và que thử dễ dàng nhận biết hơn.
Que thử hai vạch nhưng không mang thai
Nguyên lý của que thử là dò tìm hoóc-môn hCG trong nước tiểu. Có một số yếu tố làm tăng lượng hCG nhưng là do bất thường trong cơ thể, không phải do bạn đã mang thai. Các trường hợp có thể xảy ra:
-Thai trứng: Hay còn gọi là chửa trứng, xảy ra do bất thường của gai nhau thai, tạo thành các túi chứa dịch dính vào nhau giống như chùm nho, chiếm phần lớn buồng tử cung. Trứng có thể phát triển thành một khối không có phôi thai hoặc có phôi thai bất thường. Tuy mức độ hCG tăng rất cao và thử que cho ra 2 vạch, nhưng sẽ không thấy tim thai. Thai trứng gây băng huyết, nếu trứng ăn sâu vào cơ tử cung có thể làm thủng lớp cơ, gây chảy máu ổ bụng. Thai trứng còn có thể biến chứng thành ung thư. Để nhận biết tình trạng này, bạn cần theo dõi tình trạng ra máu âm đạo kéo dài, hiện tượng đau quặn bụng, triệu chứng tiền sản giật…
-Thai ngoài tử cung: Trứng được thụ tinh nhưng không di chuyển vào trong tử cung mà phát triển ở ngoài, thường gặp nhất là ở vòi trứng, dần dà bị vỡ ra gây chảy máu ồ ạt và nguy hiểm đến tính mạng. Khi bị thai ngoài tử cung, lượng hCG cũng tăng cao, nhưng bạn sẽ bị băng huyết, rong huyết và đau bụng.
-Đang tiêm hCG: Trong nhiều trường hợp điều trị hiếm muộn, vô sinh, bệnh nhân được tiêm hCG để kích thích khả năng mang thai. Điều này cũng có thể dẫn đến kết quả thử thai không chính xác.
Vì vậy, khi que thử thai đã cho kết quả “dương tính” nhưng ở bạn lại có những biểu hiện bất thường, cần đến bệnh viện kiểm tra ngay để không phải chịu những hậu quả nặng nề đối với sức khỏe.
CN. Vũ Đình Tuấn
Trung tâm CSSKSS Khánh Hòa
Nguồn website www.ebe.vn