Vị trí đúng của TH là phải nằm ở bìu, khi TH nằm tại ổ bụng, ống bẹn, lỗ bẹn... của quá trình di chuyển trong thời kỳ phôi thai thì gọi là TH ẩn.
TH ẩn khác TH lạc chỗ, bởi khái niệm TH lạc chỗ có nghĩa rộng hơn; TH có thể nằm ngoài bìu, cũng có thể nằm bất cứ chỗ nào như ở mu, nếp bẹn, cung đùi, tầng sinh môn do trong quá trình di chuyển đã bị kéo lệch ra khỏi đường đi bình thường.
TH ẩn là bệnh lý khá phổ biến ở trẻ sơ sinh và dưới sáu tuổi. Trẻ trai sinh thiếu tháng nguy cơ bị TH ẩn khá cao (gần 30%). Nếu được phát hiện sớm ngay sau sinh, theo dõi sát và có chỉ định điều trị đúng thì sẽ cải thiện được các chức năng sinh sản, nội tiết và tránh nguy cơ ung thư sau này.
Ngoài vấn đề trên, người bị TH ẩn còn có thể mắc các dị dạng khác, nhất là với thể ẩn cả hai bên, có thể gặp những rối loạn bệnh lý nhiễm sắc thể giới tính, tật ái nam ái nữ hoặc kèm theo dị dạng ở đường tiết niệu như tật lỗ đái thấp, suy tuyến sinh dục...
Không khó để nhận diện bệnh này, vì vậy các bậc phụ huynh có con trai nhỏ cần quan sát kỹ túi bìu, có thể dễ dàng phát hiện bệnh khi nhìn thấy túi bìu không cân đối.
Cụ thể, một bên trông bình thường và một bên nhỏ hoặc xẹp lép (ẩn TH một bên) hoặc cả hai túi bìu nhỏ, xẹp. Khi sờ nắn vào bìu sẽ không thấy TH ở một hoặc cả hai bên. Kiểm tra kỹ, có thể nắn thấy TH ở ống bẹn.
Khi đó, phụ huynh nên đưa bé đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác hơn thông qua các phương pháp như siêu âm, chụp cắt lớp điện toán (CT Scan). Hoặc có thể thử nghiệm test sinh hóa HCG, testosteron, xét nghiệm nhiễm sắc thể…
Vì sao vô sinh? Đây là câu hỏi khá nhiều phụ huynh thắc mắc. Có thể hiểu, nhiệt độ ở bìu bình thường bao giờ cũng thấp hơn so với nhiệt độ của cơ thể. Nếu TH ẩn trong bụng hoặc những nơi khác - như đã nêu trên - khi gặp nhiệt độ cao bên trong cơ thể sẽ làm cho TH không phát triển, làm giảm số lượng tế bào mầm trong tinh trùng.
Trường hợp bé trai bị một TH ẩn và vị trí TH nằm ở ống bẹn thì số lượng tinh trùng sẽ bình thường. Nhưng nếu bé trai bị hai TH ẩn và TH nằm ở ống bẹn thì có thể gây vô sinh.
Bệnh nhân sau năm tuổi không được phẫu thuật thì tỷ lệ vô sinh cao tới 75%. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, TH ẩn còn có thể gây ra các biến chứng như: xoắn vặn TH, chấn thương vỡ TH ẩn... Thậm chí, nếu TH ẩn trong ổ bụng phát hiện muộn, không được phẫu thuật thì có thể âm ỉ phát triển thành u ác tính.
Hiện có hai phương pháp điều trị: Điều trị nội khoa bằng nội tiết tố HCG có tác dụng kích thích TH phát triển và di chuyển; điều trị ngoại khoa (được chỉ định khi điều trị nội tiết thất bại), chỉ định mổ để hạ TH và cố định TH xuống bìu.
Nếu TH ẩn cả hai bên thì tùy từng trường hợp nhưng thường mổ từng bên cách nhau sáu - tám tháng. Khi trẻ đã ở tuổi dậy thì và TH teo mất chức năng hoặc nguy cơ thoái hóa cao thì phải cắt bỏ TH teo.
Trở lại trường hợp của con anh, gia đình nên đưa cháu đến bệnh viện khám chuyên khoa thận niệu để được kiểm tra kỹ hơn. Nếu các chỉ số xét nghiệm đều cho thấy con anh bị TH ẩn, thì việc điều trị là vô cùng quan trọng với sức khỏe sinh sản của cháu về sau.
Phan Thị Thu Thùy.
Trung tâm CSSKSS Khánh Hòa
Theo nguồn: BS Trương Đình Khải (Giảng viên trường Đại học Y Dược TP.HCM)