KẾT QUẢ XÉT NGHIỆM MÁU TRONG "NGÀY ĐÈN ĐỎ" CÓ CHÍNH XÁC KHÔNG?

19/04/2016 15:50        
Thưa bác sĩ, vừa rồi, trong những ngày có kinh nguyệt, em bị sốt, phải nhập viện. Các bác sĩ ở đây vẫn tiến hành xét nghiệm máu như bình thường. Tuy nhiên, em nghe nói xét nghiệm máu trong ngày có "đèn đỏ" thì kết quả không chính xác lắm vì homrone không ổn định. Bác sĩ cho em hỏi, sự thật thì có nên làm xét nghiệm máu trong "ngày đèn đỏ" hay không? Ngoài ra, em muốn hỏi thêm là em uống thuốc nội tiết trong cả những ngày có kinh nguyệt thì có ảnh hưởng gì không? Em xin cảm ơn bác sĩ! 
Trả lời:

Thắc mắc của bạn cũng là thắc mắc của rất nhiều chị em, đặc biệt là những người luôn quan tâm tới sức khỏe của mình. Thực tế, kinh nguyệt là một hoạt động sinh lý bình thường của người phụ nữ và nó chịu ảnh hưởng chủ yếu của các hormone estradiol và progesteron. Kinh nguyệt hình thành là do niêm mạc tử cung bong ra, tạo thành máu chảy ra ngoài âm đạo. 

Chính vì vậy, nếu bạn làm các xét nghiệm máu thông thường như: công thức máu, glucose máu, urê máu, creatinin, lipid, men gan... không phải là xét nghiệm máu liên quan đến nội tiết sinh dục thì kết quả không bị ảnh hưởng nhiều. Nếu trong trường hợp cần thực hiện xét nghiệm máu để chẩn đoán bệnh kịp thời thì kết quả xét nghiệm máu đó vẫn có thể chấp nhận được. 

Trong trường hợp bạn cần làm các xét nghiệm chuyên sâu về hormon thì tốt nhất nên đợi sau khi sạch kinh hãy làm. 

Thuốc nội tiết là một trong những loại thuốc được bác sĩ khuyến cáo không nên uống trong những ngày có kinh nguyệt. Vào những ngày này, cơ thể có thể bị mất cân bằng nội tiết tố, vậy nên nếu dùng thuốc nội tiết tố sẽ khiến cho tình trạng rối loạn nội tiết trở nên trầm trọng hơn, đe dọa sức khỏe sinh sản của người phụ nữ. Các loại thuốc nội tiết thường chứa estrogen và progesterone. Các loại thuốc có chứa androgen có thể làm giảm kinh nguyệt, gây ra tình trạng kinh nguyệt không đều,… Còn các loại thuốc có chứa progesterone lại có khả năng gây chảy máu âm đạo và đau vú. 

Bởi vậy, bạn cần lưu ý và hỏi ý kiến bác sĩ trực tiếp điều trị cho mình để biết có nên uống thuốc này trong những ngày có kinh nguyệt hay không.

Chúc bạn vui khỏe!

CN. Vù Đình Tuấn

 

 

Liên kết