SỐNG VỚI NGƯỜI BỊ VIÊM GAN VÀI YẾU TỐ & QUAN ÐIỂM CHÍNH

29/02/2016 16:01        
- Tùy theo từng loại vi khuẩn viêm gan, bệnh truyền nhiễm qua nhiều phương thức khác nhau.
- Thông hiểu được những phương thức lây bệnh và chữa trị bệnh viêm gan là điều kiện tiên quyết để sống với người bị viêm gan.
- Chữa bệnh viêm gan theo "linh tính", hoặc theo những phương thức chưa được chấp thuận bởi hội Y Khoa Hoa Kỳ có thể làm lá gan hư hại một cách nhanh chóng hơn.
- Vì bệnh AIDS cũng lây qua máu và sinh lý, một số bệnh nhân viêm gan, nhất là viêm gan B và D cũng có thể bị nhiễm bởi vi khuẩn HIV.

Nếu là người Việt trong một gia đình đông đúc, chúng ta có lẽ đã và đang chung sống với người bệnh viêm gan B hoặc C mà không hề hay biết.  Vì đa số bệnh nhân viêm gan tuy có bệnh, nhưng không hề đau đớn, họ có thể tiếp tục lây bệnh của mình cho người khác một cách tương đối dễ dàng. Với 1 trong 6 đến 7 người Việt đang bị viêm gan B, và 1 trong 20 đến 40 người bị viêm gan C, có lẽ không một gia đình Việt Nam nào mà không có ít nhất một người đang bị một trong hai căn bệnh kể trên.
Tiếc thay, vì kém hiểu biết, người ta thường có khuynh hướng đi từ thái cực này đến thái cực kia. Một mặt, bệnh có thể được xem như một lẽ đương nhiên, không gì đáng nói. Nếu bàn tới, thì chỉ được thảo luận với những lý lẽ như: "Ðã là người Việt thì chúng ta, ai ai cũng PHẢI bị viêm gan, nếu không A, thì B; không B thì C. Ðiều này không có gì là lạ cả. Việc gì phải quan trọng hóa vấn đề." Mặt khác, bệnh có thể được xem như một "mối nhục", một thứ "hủi", nên dấu đi hoặc che đậy lại. Với ý tưởng nhục nhã này, nhiều bệnh nhân trở nên ngại ngùng, khó chịu, khi phải "tiết lộ bí mật" của mình cho những người thân thương. Nhất là trong tinh thần "đẹp đẽ khoe ra, xấu xa đậy lại", nói về "cái tôi tật nguyền" cho người khác không phải là một chuyện dễ.

Tuy viêm gan siêu vi là bệnh truyền nhiễm, bệnh không nguy hiểm như bệnh AIDS hoặc ghê sợ như bệnh cùi. Bệnh không có đặc tính "di truyền", nên anh chị em trong nhà không nhất thiết phải mang cùng một căn bệnh. Tùy theo từng loại vi khuẩn khác nhau, bệnh có thể lây từ người này qua người kia, bằng cách này hoặc cách khác. Vì thế, khi sống với người bị viêm gan, chúng ta không những phải biết cách giúp đỡ người bệnh vượt qua những trở ngại khó khăn, mà còn phải thông hiểu những cách thức bảo vệ cho chính mình. Sau đây là những điều quý vị nên để ý:

1) Bệnh viêm gan A lây qua đường tiêu hóa nên rất dễ lây. Bệnh dễ lây nhất một vài tuần lễ trước khi bệnh nhân có những triệu chứng của bệnh viêm gan cấp tính. Một khi da và mắt trở nên vàng, bệnh không còn truyền nhiễm nữa. Tiếp xúc với người bệnh trong lúc này không còn "nguy hiểm" nữa. Nói một cách khác, bệnh chỉ dễ lây trong thời gian ủ bệnh (khi bệnh nhân vẫn hoàn toàn khỏe mạnh).

Vì bệnh viêm gan A có thể chích ngừa một cách dễ dàng, quý vị nên đi khám bác sĩ để được chích ngừa. Ða số chúng ta nếu trưởng thành tại quê nhà, đều đã tiếp xúc với vi khuẩn viêm gan A trong quá khứ nên đã có kháng thể chống lại vi khuẩn viêm gan A. Ðiều này có nghĩa là chúng ta đã được miễn nhiễm vi khuẩn viêm gan A.

2) Bệnh viêm gan B lây qua máu và sinh lý, nên khó lây hơn bệnh viêm gan A. Thuốc chích ngừa viêm gan B rất hiệu nghiệm, và an toàn nên chúng ta cần chích ngừa càng sớm càng tốt. Ngay cả những phụ nữ trong lúc đang có thai, nếu chưa được miễn nhiễm cũng nên chích ngừa. Ðiều này có thể tránh được tình trạng bị viêm gan B cấp tính trong thời gian "nguy hiểm" này. May mắn thay, đa số phụ nữ trong thời kỳ thai nghén, nếu chẳng may, bị bệnh vi khuẩn viêm gan B cấp tính, vẫn có thể "lướt" qua một cách dễ dàng và bệnh không trở nên nặng hơn nếu so với người bình thường không mang thai. 

3) Không nên giao hợp trong lúc người bệnh viêm gan C đang có kinh kỳ. Nếu người phụ nữ viêm gan C đang có kinh, sau khi tắm shower xong, họ nên "giội" nhiều nước để rửa sạch một số máu nhỏ có thể dính dưới sàn nhà. Nếu muốn, quý vị có thể dùng một số xà-bông lau nhà hoặc thuốc sát trùng bầy bán trong các siêu thị để khử trùng sau khi bước ra khỏi phòng tắm.

4) Nên dự trữ một ít găng tay khám bệnh trong nhà, để nhỡ trong trường hợp phải chăm sóc những vết thương của bệnh nhân viêm gan B và C. 

5) Một lần nữa, vì phương pháp hữu hiệu nhất hiện nay trong việc phòng ngừa bệnh viêm gan B và D là chủng ngừa, quý vị nên đi chích ngừa càng sớm càng tốt. Nếu một trong những thân nhân của quý vị đang bị viêm gan B, quý vị nên thử cường độ chất kháng sinh HBsAB (HBsAB titer) trong máu của quý vị. Nếu cường độ cao hơn 10 IU/L, quý vị đã được miễn nhiễm cho cả hai bệnh viêm gan B và D.

6) Vì viêm gan B, C, D gần như không bao giờ lây qua mồ hôi và nước bọt, va chạm thể xác trong đời sống hàng ngày với những bệnh nhân viêm gan B, C và D không lấy gì là nguy hiểm. Ăn uống chung hoặc chấm chung một chén nước mắm cũng được xem là rất an toàn. Vì thế, chúng ta không phải cô lập hóa bệnh nhân viêm gan như những "kẻ cùi lở". Bắt họ nấu nướng riêng biệt và dùng những chén bát riêng tư là một điều phi lý, nếu không muốn nói là vô nhân đạo.

7) Viêm gan E lây qua thức ăn và nước uống ô nhiễm bởi vi khuẩn. Khác với viêm gan A, bệnh này vẫn có thể tiếp tục lây bệnh trong nhiều tuần lễ, sau khi người bệnh đã phát ra những triệu chứng viêm gan cấp tính. Vì số tử vong cho cả mẹ lẫn bé sơ sinh có thể tăng lên rất cao, nhất là trong 3 tháng cuối cùng của thai nghén, những phụ nữ đang mang thai nên rất thận trọng về vấn đề vệ sinh, nếu trong nhà có người đang bị viêm gan E.

Nếu không hiểu bệnh viêm gan là gì, thì có những hoàn cảnh đáng tiếc có thể xảy đến với bất cứ gia đình của bệnh nhân viêm gan nào. Ví dụ, vợ bỏ chồng, chồng bỏ vợ, người bỏ người. Con cái đuổi bố mẹ ra khỏi nhà vì sợ bệnh của ông bà có thể lây qua cho con cháu. Bố mẹ đuổi con cái ra ngoài vì cho rằng con cái đã quá "lăng loàn", nên mắc phải căn bệnh này v.v. Vì thế, thông hiểu tường tận về các loại bệnh viêm gan không những sẽ giúp cho chúng ta những cách thức phòng ngừa hữu hiệu, mà còn tránh được những hiểu lầm vô cùng tai hại.

Tôi thường khuyên cả bệnh nhân lẫn thân nhân nên tìm hiểu và theo dõi sự tiến triển của bệnh để tránh những kinh ngạc bất ngờ. Thỉnh thoảng nên tháp tùng người thân của mình, khi họ đi bác sĩ. Bệnh nhân thường có khuynh hướng "dấu" bệnh, nên nhiều khi bệnh đã bước qua những giai đoạn cuối cùng mà người nhà vẫn không hề hay biết. Hỏi thăm bác sĩ về bệnh tình của người thân thương là một cách thức chăm sóc hữu hiệu, nhưng nên tránh những câu hỏi quá "phũ phàng" và quá thật tế, trước mặt bệnh nhân.

Sống với người thân bị viêm gan kinh niên có thể đưa đến những bực bội, khó chịu, bức rức, thất vọng, hoang mang cũng như những cảm giác bất lực, "vô tích sự" rồi "giận dữ" không nguyên cớ. Có nhiều bệnh nhân cảm thấy chán chường, thất vọng khi gan đã bị viêm quá lâu năm, hoặc đang bị tàn phá bởi những loại vi khuẩn khó chữa, bệnh ngày một trầm trọng hơn. 

Khi niềm hy vọng ngày càng mong manh, bệnh nhân và gia đình thường tìm đến những cứu cánh khác nhau, trong đó thuốc Bắc hoặc thuốc Nam đã và đang đóng một vai trò quan trọng. Như một người đang chết đuối, một chiếc lá vàng hay một nhánh cây khô, cũng có thể được xem như một chiếc phao, một tấm ván, một vị "cứu tinh", một lối thoát. 

Rồi "còn nước, còn tát". Lắm khi, trong gia đình mỗi người "tát" một kiểu. Hễ ai mách điều gì, điều đó có thể được đem ra thi hành một cách triệt để, đôi khi kém khoa học và vô nghĩa lý. Thuốc càng mắc, thì càng tốt. Phương pháp chữa trị, càng cầu kỳ, càng rắc rối, càng bí ẩn, thì càng có hiệu lực. Rồi "có tin, có lành". Nhiều cách thức chữa trị được ứng dụng một cách trang nghiêm trà trộn với những thủ tục tôn giáo huyền bí hoặc những nghi lễ không kém phần trang trọng.

Khi thuốc Tây "chữa không xong", bệnh nhân thường có cảm tưởng như đã bị bỏ rơi. Sự bực tức và mối tuyệt vọng lâu dần, đưa họ vào những "vũng lầy" tâm lý không lối thoát. Bệnh càng nặng hơn, mối giận dữ, bực tức và lòng oán trách trở nên càng rõ rệt hơn. Người bệnh dễ "cau có" hơn. Tính tình trở nên khó chịu hơn. Lời ăn tiếng nói thiếu dần tự chủ, dễ đưa đến những giận dỗi, xích mích, cãi cọ, mất lòng. Vì thế, hơn lúc nào hết thân nhân của bệnh nhân viêm gan kinh niên trong những giai đoạn trầm trọng này cần sự thông cảm bao la và tấm lòng kiên nhẫn bền bỉ. Tuy nhiên, nói thì dễ, làm thì khó. Trong thời điểm, khi bệnh nhân bắt đầu mất dần sự minh mẫn, dễ loạn trí (hepatic encephalopathy), vấn đề chăm sóc người bệnh trở nên tỉ mỉ, khó khăn và mất nhiều công sức hơn. Nhiều thân nhân phải nghỉ làm dài hạn để chăm sóc cho người thân của mình một cách thường trực. Trong lúc gần gũi bệnh nhân thường xuyên hơn, một số thân nhân mới bắt đầu ý thức được tính cách trầm trọng của căn bệnh mà người thân thương của họ đang gánh chịu từ bấy lâu nay.

Như đã trình bầy trong chương Chai Gan, một khi gan đã bị chai, bệnh sẽ tiếp tục tăng trưởng mỗi ngày một nhanh hơn. Ðây là thời gian "không còn thuốc chữa", nên tất cả mọi nỗ lực trị bệnh không gì khác hơn là đình hoãn và thuyên giảm những biến chứng của chai gan càng lâu, càng tốt; càng nhiều, càng hay. Trong thời điểm này, tất cả thuốc men, ngay cả những thuốc thiên nhiên lấy từ cỏ cây, nếu uống không đúng cách hoặc quá nhiều đều có thể làm bệnh trở nên trầm trọng hơn. Vì thế, sự thương yêu người thân thương đang bị chai gan có thể sẽ đưa đến những tác hại ngoài ý muốn. Một lần nữa, xin quý vị tham khảo ý kiến của nhiều bác sĩ khác nhau trước khi cho bệnh nhân chai gan uống bất cứ một thứ thuốc gì. Như đã trình bầy trong chương "Dinh Dưỡng cho người bị viêm gan", đa số thuốc Bắc/Nam rất an toàn, và có thể mang lại một ít kết quả tốt đẹp trong một số bệnh tật khác nhau, nhưng trong trường hợp của người chai gan, ngay cả một miếng thịt bò nho nhỏ, chẳng hạn, tưởng như "vô thưởng, vô phạt" cũng có thể như "một giọt nước làm vỡ cái đê".

Một khi bệnh nhân viêm gan trở nên quá âu lo, sợ sệt. Họ thường "cắn răng, chịu đựng" và tránh không uống bất cứ một thứ thuốc gì, vì sợ gan của họ sẽ chóng hư hơn với phản ứng phụ của thuốc. Nhiều người chỉ "nghe nói", và cứ thế "làm theo" những lời nói, lời khuyên từ bè bạn, sách báo, không chính xác, kém khoa học một cách triệt để. 

Tuy một số hóa chất có thể làm viêm gan, đa số thuốc Tây, nếu uống đúng cách sẽ rất an toàn và ít phản ứng phụ. Vì thế, không phải thuốc nào khi uống vào cũng sẽ trở thành những độc tố cho tế bào gan. Ðiều này, một lần nữa tô điểm cho câu: "gan tuy dễ hư, lại khó hư". Xin quý vị tham khảo ý kiến với bác sĩ của mình trước khi tự ý ngừng uống các loại thuốc chữa bệnh kinh niên, như cao máu, tiểu đường v.v.


CN.Vũ Đình Tuấn
Trung tâm CSSKSS Khánh Hòa

Theo hội ung thư Việt Mỹ
Website: www.ungthu.org

 

Liên kết