ZIKA VI RÚT

10/03/2016 14:47        
Vi rút Zika được phát hiện đầu tiên trên con khỉ vào năm 1947 tại khu rừng Zika của nước Uganda, sau đó phát hiện trên muỗi Aedes tại nước này vào năm 1948. Năm 1952 phát hiện trường hợp nhiễm vi rút Zika trên người đầu tiên tại nước Uganda và Tanzania thuộc khu vực Châu Phi.

Ngoài phương thức lây truyền chủ yếu của vi rút Zika qua muỗi Aedes, còn có bằng chứng cho thấy vi rút có thể lây qua đường máu, tình dục và từ mẹ sang con.

Bệnh do vi rút Zika có thời gian ủ bệnh từ 3-12 ngày, người mắc bệnh thường có biểu hiện như sốt, phát ban, và một số triệu chứng khác như đau cơ, nhứt đầu, đau mắt. Hầu hết bệnh có khả năng phục hồi hoàn toàn, tuy vậy khoảng 60-80% trường hợp nhiễm vi rút Zika không có biểu hiện triệu chứng và 20-40% trường hợp nhiễm vi rút Zika có triệu chứng lâm sàng. Song đáng chú ý ở đây là hiện nay là đã có sự gia tăng đáng kể các trường hợp mắc chứng não nhỏ ở trẻ sơ sinh tại các khu vực có dịch bệnh do vi rút Zika lưu hành.

Xuất phát từ tình hình nguy hiểm đó Trung tâm Y tế Dự phòng sẽ phối hợp cùng Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản Tỉnh Khánh Hòa sẽ trình qua Sở Y tế về kế hoạch hành động phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika thông qua các công tác tổ chức như: công tác chỉ đạo, kiểm tra, công tác giám sát dự phòng, công tác điều trị, công tác truyền thông giáo dục sức khỏe cho cộng đồng, công tác dự phòng, hợp tác với quốc tế và phối hợp chặt chẽ với liên ngành.

Tại Khánh Hòa, chưa ghi nhận trường hợp nhiễm vi rút Zika nào. Tuy nhiên theo Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo bệnh nhân nghi ngờ bệnh nhiễm vi rút Zika có các triệu chứng như sốt, phát ban kèm theo ít nhất một trong các biểu hiện như: viêm kết mạc mắt, đau cơ, đau khớp, đau đầu và có tiền sử ở/đi/đến từ khu vực có dịch hoặc nghi ngờ dịch bệnh do vi rút Zika trong vòng 12 ngày trước khi khởi phát thì nên đi khám để phát hiện và điều trị kịp thời.

Đối với các phụ nữ có thai trong quá trình đi khám thai và siêu âm phát hiện chỉ số đầu (gọi là đường kính lưỡng đỉnh BPD) nhỏ hơn so với tuổi thai và có đi qua vùng dịch bệnh kèm theo có thể biểu hiện một trong những dấu hiệu trên cần thực hiện các xét nghiệm để tránh những biến chứng nặng nề về thần kinh như Guillain Barre, viêm não màng não hoặc hội chứng teo não ở trẻ sơ sinh. Một khi thai phụ bị nhiễm vi rút Zika sẽ được theo dõi bằng siêu âm mỗi 2 tuần một lần để phát hiện sớm tình trạng đầu nhỏ hoặc vôi hóa ở não thai nhi. Phụ nữ có thai trên 15 tuần chẳng may nhiễm vi rút Zika có thể chỉ định chọc ối làm xét nghiệm RT-PCR hoặc lấy máu cuống rốn để làm xét nghiệm huyết thanh.

Đối với trẻ bị dị tật não bé hoặc có tiền sử mẹ nhiễm vi rút Zika khi mang thai cần được theo dõi sự phát triển về tinh thần, vận động, đánh giá thị lực và điều trị rối loạn như co giật, động kinh (nếu có).

 

Liên kết