LÀM MẸ AN TOÀN

09/01/2024 16:14        

                      Làm mẹ an toàn, sức khỏe cho bạn, tương lai cho bé.

Làm mẹ an toàn là nội dung đầu tiên trong 8 nội dung của chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản , đủ cho thấy ý nghĩa và tầm quan trọng của việc làm mẹ an toàn. Vì trên hết đó là hoạt động nhằm nâng cao chất lượng sức khỏe cho cả mẹ và bé nhằm giảm thiểu tỉ lệ tai biến sản khoa, phát hiện sớm dị tật, bệnh lý của sơ sinh giảm tỉ lệ tử vong sơ sinh.
Thực hành làm mẹ an toàn bao gồm 3 giai đoạn: trước mang thai, trong thai kỳ và sau sinh. Trong thai kỳ bà mẹ mang thai đặc biệt chú trọng đến lịch khám thai định kỳ và chế độ dinh dưỡng khi mang thai.
Lịch khám thai định kì:
    Giai đoạn 3 tháng đầu (từ ngày đầu kì kinh cuối đến 13 tuần 6 ngày)
-    Khám lần đầu sau trễ kinh >1 tuần: xét nghiệm HCG và /hoặc siêu âm.
-    Khám lần 2 lúc thai 7-8 tuần: Siêu âm và xét nghiệm nước tiểu.
-    Khám lần 3 lúc thai 11-13 tuần 6 ngày:
Xét nghiệm máu tổng quát; siêu âm đo độ mờ da gáy, xương chính mũi; xét nghiệm sàng lọc trước sinh (Double test; NIPT).
    Giai đoạn 3 tháng giữa khám 1 tháng 1 lần (từ 14 tuần đến 28 tuần 6 ngày):
    Từ 14 tuần đến 20 tuần.
+ Khám thai: Đo huyết áp, đo chiều cao tử cung, đo vòng bụng, nghe tim thai.
+ Siêu âm thai.
+ Xét nghiệm nước tiểu; xét nghiệm máu tổng quát nếu chưa làm.
+ Xét nghiệm Triple test (nếu chưa xét nghiệm Double test).
    Từ 20 tuần đến 24 tuần.
+ Khám thai: Đo huyết áp, đo chiều cao tử cung, đo vòng bụng, nghe tim thai.
+ Siêu âm hình thái học 3D, 4D phát hiện sớm các dị tật của thai.
+ Xét nghiệm nước tiểu; Xét nghiệm máu tổng quát nếu chưa làm.
    Từ 24 tuần đến 28 tuần.
+ Khám thai: Đo huyết áp, đo chiều cao tử cung, đo vòng bụng, nghe tim thai.
+ Siêu âm hình thái học 3D, 4D phát hiện sớm các dị tật của thai.
+ Xét nghiệm nước tiểu; Xét nghiệm máu tổng quát nếu chưa làm; nghiệm pháp dung nạp đường huyết.
    Giai đoạn 3 tháng cuối (từ 29 tuần đến 40 tuần):
-    Từ 29 tuần đến 32 tuần: Khám 1 lần.
-    Từ 33 tuần đến 35 tuần: Khám 2 tuần 1 lần.
-    Từ 36 tuần đến 40 tuần: Khám 1 tuần 1 lần.
+ Khám thai: Đo huyết áp, đo chiều cao tử cung, đo vòng bụng, nghe tim thai
+ Siêu âm thai; Doppler.
+ Theo dõi cử động thai bằng Monitoring sản khoa.
+ Xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm khác nếu cần.

Dinh dưỡng trong thai kỳ:
Dinh dưỡng trong thai kỳ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai. Chế độ dinh dưỡng của mẹ trong thời gian mang thai là yếu tố liên quan rõ rệt nhất đến cân nặng của trẻ khi sinh. Chế độ dinh dưỡng kém dễ dẫn đến thai nhỏ, sinh non, thậm chí thai suy dinh dưỡng trong bào thai. Một vài nghiên cứu cho thấy mẹ thiếu dinh dưỡng vào đầu thai kỳ, trẻ có nguy cơ béo phì và bệnh tim mạch cao khi trưởng thành. Ngược lại, mẹ thiếu dinh dưỡng vào cuối thai kỳ, trẻ sẽ có nguy cơ rối loạn khả năng dung nạp đường cao hơn. Dinh dưỡng cũng ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển trí não của trẻ. Bên cạnh đó dinh dưỡng phù hợp giúp mẹ giảm nguy cơ mắc nhiễm độc thai nghén tăng khả năng tạo sữa sau sinh. Sau đây là những khuyến nghị về chế độ dinh dưỡng trong thai kỳ:
    Chế độ ăn của bà mẹ mang thai :
    Ăn đa dạng các thực phẩm bổ dưỡng, có các loại thức ăn của ít nhất 5 trong 8 nhóm thực phẩm / ngày (8 nhóm thực phẩm: lương thực; các loại hạt, sữa và các chế phẩm từ sữa; thịt các loại, cá và các loại hải sản; trứng và các sản phẩm từ trứng; rau củ quả có màu da cam, đỏ, xanh thẫm; các loại rau củ quả khác; dầu ăn, mỡ các loại).
    Giai đoạn 3 tháng đầu: ăn nhiều hơn bình thường, chia nhỏ lượng thức ăn trong ngày để giảm cảm giác nghén.
    Giai đoạn 3 tháng giữa: ăn nhiều hơn sao cho năng lượng cung cấp tăng 250kcal/ngày (ăn thêm 1 bát cơm và thức ăn hợp lý).
    Giai đoạn 3 tháng cuối: ăn nhiều hơn sao cho năng lượng cung cấp tăng 450kcal/ngày (ăn thêm 2 miệng bát cơm và thức ăn hợp lý).
    Uống đủ nước 1,2 – 1,5 lít nước/ngày (từ 06 – 08 cốc nước).
    Bổ sung vi chất dinh dưỡng bằng cách ăn thực phẩm giàu vi chất và uống thuốc bổ sung.
    Sắt: bổ sung qua các loại thịt đỏ như thịt bò, trứng, rau xanh đậm (rau ngót, bông cải xanh), các loại hạt, viên uống với liều 60mg/ngày.
    Acid folic: rất giàu trong rau muống, cải xanh, giá đỗ, súp lơ…, uống bổ sung 400mcg/ngày.
    Canxi: rất giàu trong sữa và chế phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai; tôm, cua, ốc, nấm hương; viên uống với hàm lượng 1200mg/ngày.
    I ốt: có nhiều trong cua biển, cá biển, rong biển, rau cần, cải thảo, súp lơ hoặc muối ăn có I ốt.
    Vitamin A: có nhiều trong các loại củ quả màu đỏ, cam, vàng, xanh đậm như cà rốt, cà chua, dưa hấu, khoai lang, bí đỏ…Ngoài ra vitamin A có rất nhiều trong các loại thực phẩm như cá, thịt, gia cầm, sữa và chế phẩm từ sữa.
    Ngoài ra nên bổ sung thêm kẽm, vitamin B1, B2, C…
    Hạn chế đồ uống kích thích: Với phụ nữ có thai có mức tiêu thụ cafein cao trên 300 mg hàng ngày làm tăng nguy cơ sảy thai và sinh con nhẹ cân vì vậy cần hạn chế các đồ uống chứa cafein như: cà phê, trà, nước ngọt cola, nước tăng lực…Hạn chế gia vị, đặc biệt là không nên ăn mặn (dưới 5g muối/ ngày).
    Theo dõi mức tăng cân nặng trong suốt thai kỳ:
    Mức tăng cân trong thai kỳ: Tăng cân là biểu hiện tích cực cho thấy sự phát triển của thai nhi, tăng cân của người mẹ lúc mang thai phụ thuộc vào giai đoạn thai kỳ và tình trạng dinh dưỡng trước khi mang thai. Tùy theo tình trạng dinh dưỡng (chỉ số khối cơ thể: BMI) trước khi có thai của người mẹ để khuyến nghị mức tăng cân:
    Bà mẹ có tình trạng dinh dưỡng bình thường (BMI: 18,5-24,9 kg/m2): Mức tăng cân của người mẹ nên đạt là 10-12 kg. Mức tăng cân cụ thể như sau:
    3 tháng đầu (quý I): 1 kg
    3 tháng giữa (quý II): 4-5 kg
    3 tháng cuối (quý III): 5-6 kg
    Bà mẹ bị thiếu năng lượng trường diễn (BMI < 18,5 kg/m2): mức tăng cân nên đạt 25% cân nặng trước khi có thai.
    Bà mẹ bị thừa cân, béo phì (BMI≥25kg/m2): mức tăng cân nên đạt 15% cân nặng trước khi có thai./.

Khoa Chăm sóc sức khỏe bà mẹ - Kế hoạch hóa gia đình 

BS. Tạ Thị Thanh Hà

 

Liên kết