Gọi là THA trong thai kỳ khi một phụ nữ mang thai có huyết áp tâm thu > 140 mmHg hoặc huyết áp tâm trương > 90 mmHg.
THA thai kỳ có rất nhiều loại, hiện nay có thể chia thành các nhóm cơ bản từ nhẹ đến nặng như sau: THA thai kỳ; THA mạn tính; Tiền sản giật; Tiền sản giật ghép trên THA mạn tính; Hội chứng HELLP; Sản giật.
THA thai kỳ khi huyết áp (HA) ≥ 140/90 mmHg, xuất hiện sau tuần 20 của thai kỳ, không có protein trong nước tiểu và HA trở về bình thường trong vòng 12 tuần sau sinh.
THA mạn tính khi THA có trước khi mang thai hoặc được phát hiện trước tuần 20 của thai kỳ hoặc phát hiện sau tuần 20 của thai kỳ nhưng kéo dài hơn 12 tuần sau sanh. Trong đó có THA mạn tính nhẹ ( HA > 140-149/90-109 mmHg ) và THA mạn tính trở nặng ( HA > 150/ 110 mmHg).
Tiền sản giật (hay còn gọi là nhiễm độc thai nghén) khi THA và có protein trong nước tiểu. Có 2 loại là tiền sản giật nhẹ (THA và Protein niệu ≥ 300mg/ 24 giờ) và tiền sản giật nặng ( HA ≥ 160/110 mmHg và Protein niệu ≥ 5 g/ 24 giờ; nước tiểu ít < 500 ml/ 24 giờ).
Tiền sản giật ghép trên THA mạn tính nếu một phụ nữ có THA mạn tính được phát hiện trước đó, nay lại THA thêm và xuất hiện protein trong nước tiểu trong 24 giờ.
Ngoài THA và proten niệu, có thể có biểu hiện rối loạn chức năng ở nhiều cơ quan khác như: nhức đầu, rối loạn thị giác hay nhìn mờ, đau vùng thượng vị hoặc hạ sườn phải. Có thể tăng men gan, giảm số lượng tiểu cầu, thai chậm phát triển…Khi tiền sản giật có kèm theo một trong các dấu hiệu trên chứng tỏ bệnh đã trở nặng.
Một trong những diễn tiến nặng của tiền sản giật là hội chứng HELLP, chữ viết tắt của hội chứng gồm: Hemolysis ( tán huyết ), Elevated Liver function ( tăng men gan) và / hoặc Low Platelet ( giảm tiểu cầu).
Hội chứng HELLP hiếm gặp, thường diễn tiến nhanh và được xem là nặng nhất của tiền sản giật, nếu không được xử trí đúng và kịp thời thì tiên lượng cho cả mẹ và thai nhi đều rất xấu, nguy cơ tử vong rất cao hoặc biến chứng về sau cũng rất nặng nề.
Sản giật là khi thai phụ đang có tiền sản giật và xuất hiện cơn co giật (giống động kinh) mà không giải thích được bằng nguyên nhân khác. Sản giật cũng được xem là một trong những dạng nặng nhất của tiền sản giật, đe dọa đến tính mạng của sản phụ và thai nhi và đa số thai phụ sẽ sinh sau cơn giật.
Khoảng 1% bệnh nhân tiền sản giật sẽ có sản giật, thực tế lâm sàng không có yếu tố rõ ràng để tiên đoán bệnh nhân nào có tiền sản giật sẽ co giật.Vậy nên đa số các trường hợp tiền sản giật sẽ phải được chỉ định dùng thuốc phòng ngừa co giật.
Phát hiện sớm THA trong thai kỳ có ý nghĩa quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe cho người mẹ và thai nhi./.
Kỳ sau: sẽ cung cấp những thông tin về ảnh hưởng của THA lên thai kỳ, nhằm giúp bà mẹ phát hiện kịp thời các dấu hiệu bất thường cũng như biết được hướng xử trí và kiểm soát bệnh đảm bảo an toàn cho mẹ và thai nhi.
BS Trần Thị Quỳnh Uyên
Trung tâm CSSKSS Khánh Hòa
Tài liệu tham khảo: Sản phụ khoa - Những điều cần biết Sản khoa - ĐH Y dược Tp HCM
Phác đồ điều trị sản phụ khoa - BV Từ Dũ