1. Vòng tránh thai là gì?
Vòng tránh thai la dụng cụ đặt trong tử cung (Intrauterine devices, IUDs), được biết đến khá nhiều ngay từ trong thế kỷ 21. Ngoài ra cần kiểm tra cẩn thận các bệnh viêm nhiễm, các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs), trước khi đặt vòng tránh thai vào bên trong tử cung.
Trong những năm 1960, dụng cụ này có hình vòng tròn, rồi hình chữ U và bây giờ có hình chữ T. Dụng cụ này được làm bằng nhựa tổng hợp, có vài loại kết hợp với đồng, đôi khi, với một ít bạc để tăng hiệu quả.
2. Cơ chế hoạt động của vòng tránh thai
Vòng tránh thai được đặt vào trong tử cung của phụ nữ có tác dụng ngăn ngừa việc thụ tinh bằng ba cách chính:
Cách thứ nhất, dụng cụ này giúp ngăn chặn tinh trùng của nam giới đi vào ống dẫn trứng của nữ giới sau mỗi lần quan hệ tình dục. Do đó tinh trùng của nam giới không thể kết hợp với trứng để thụ tinh và đương nhiên việc có thai là không thể xảy ra.
Cách thứ hai, dụng cụ này giúp biến đổi chất nhầy trong cổ tử cung của bạn. Chất này đặc quánh lại sẽ là một chướng ngại vật ngăn cản tinh trùng đi vào trong tử cung.
Cách thứ ba, dụng cụ này có tác động đến tử cung của bạn - làm cho niêm mạc tử cung mỏng hơn khiến trứng đã được thụ tinh khó bám vào thành tử cung và kết tổ.
3. Lợi ích của vòng tránh thai
Lợi ích chính của vòng tránh thai là giúp bạn tránh mang thai ngoài ý muốn. Điều này đã được chứng minh dựa trên ý kiến thăm dò của nhiều nghiên cứu khoa học. Gần như là 98% có hiệu quả tránh thai như mong đợi. Điều này có nghĩa rằng nếu 100 người sử dụng vòng tránh thai thì chỉ 2 người trong số họ sẽ có khả năng mang thai.
Ngoài ra, đặt vòng tránh thai là một biên pháp kiểm soát tình trạng sinh đẻ khá phổ biến và là một trong những biện pháp kế hoạch hóa gia đình có hiệu quả lâu dài. Thông thường 1 vòng tránh thai có tác dụng tránh thai trong khoảng 8 - 10 năm. Dụng cụ này rất bền, dễ sử dụng, không gây khó chịu cho người sử dụng và ít tốn kém. Về lâu dài, người sử dụng "quên" mất đang mang nó trong người, không phải lo lắng về phòng tránh thai, tinh thần thoải mái, vui vẻ.
4. Tác dụng phụ khi đặt vòng tránh thai
Mặc dù là biện pháp tranh thai được sử dụng khá phổ biến, có hiệu quả lâu dài và kinh tế nhưng dụng cụ tử cung này cũng có một số nhược điểm như khiến bạn bị đau lưng, rong kinh, rong huyết, đau bụng, kinh và khí hư có thể sẽ ra nhiều hơn bình thường…
Nếu bạn thấy xuất hiện một số biểu hiện như sốt, đau sau khi quan hệ tình dục, chảy máu nhiều và rong kinh kéo dài, chậm kinh hoặc nghi có thai, khí hư có mùi khó chịu, buồn nôn, vòng bị rơi - tụt thấp (sờ thấy dây xuống thấp hoặc thân dụng cụ trong âm đạo)… sau khi bạn đặt vòng tránh thai thì bạn nên tới bác sĩ để khám và kiểm tra nhé
5. Thời điểm thích hợp để đặt vòng
Trường hợp 1: Đặt giữa chu kỳ kinh nguyệt. Khoảng 2 đến 5 ngày kể từ ngày sạch kinh là thời điểm thích hợp nhất để đặt vòng tránh thai. Nguyên nhân là do thời gian này cơ hội thụ thai rất ít. Ngoài ra lớp niêm mạc bên trong tử cung lúc này tương đối mỏng, ít gây tổn thương và xuất huyết cho bạn. Bên cạnh đó đây là thời điểm mà cổ tử cung tương đối mềm và còn hé mở nên thao tác dễ dàng hơn, bạn sẽ đỡ bị đau hơn.
Trường hợp 2: Nếu như bạn quyết định bỏ thai, bạn nên đặt vòng tránh thai vào lúc vừa làm xong các thủ thuật nạo hút thai. Đây là thời điểm lỗ cổ tử cung được nới rộng, xuất huyết không nhiều, tử cung co lại tốt có thể đặt được vòng tránh thai dễ dàng hơn. Đồng thời, nếu bạn đặt vòng lúc này giúp bạn và tử cung của bạn tránh phải chịu đựng nhiều lần làm các thủ thuật.
Trường hợp 3: Nếu bạn mới sinh, khoảng từ 42 ngày sau khi sinh và thời kỳ cho con bú chưa có kinh là thời điểm tốt nhất để đặt vòng. Làm thủ thuật này đảm bảo tránh mang thai ngoài ý muốn trong thời kỳ cho con bú. Tuy nhiên do lớp cơ của eo tử cung (khoảng nối giữa ống cổ tử cung và thân tử cung) còn rất mềm, mỏng, nên bác sĩ phải thật cẩn thận để tránh làm thủng tử cung của bạn.
Trường hợp 4: Nếu bạn vừa giao hợp xong thì trong khoảng sau 72 giờ là thời điểm thích hợp để đặt vòng tránh thai. Đặt vòng thời điểm này là một trong những biện pháp tránh thai khẩn cấp.
Để đảm bảo an toàn khi đặt vòng tránh thai, bạn nên đến cơ sở y tế để kiểm tra sức khỏe, khám phụ khoa trước khi đặt vòng đảm bảo không bị viêm nhiễm, đủ điều kiện áp dụng biện pháp này. Hãy chuẩn bị cho mình tâm lý cũng như hiểu biết về dụng cụ này trước khi bạn áp dụng, bạn nhé!
Đỗ Thị Thanh Thúy
Trung tâm CSSKSS Khánh Hòa
Nguồn: BV Từ Dũ