1. Khổ vì chiếc vòng “đi lạc”
Chị A cho biết đã ly dị chồng 8 năm nay, hiện đang sống với người bạn trai cùng tuổi nhưng không đăng ký kết hôn. Tuy các con luôn ủng hộ mẹ tìm một bờ vai nương tựa nhưng riêng vấn đề này, chị thấy... kỳ cục quá. Người phụ nữ cho biết mình đã đặt vòng tránh thai cách đây 16 năm sau khi sinh con trai út nhưng bây giờ cái vòng đã “hết đát”.
Một phụ nữ khác có nickname Nguyenhong..., 47 tuổi, tâm sự trên một diễn đàn rằng chiếc vòng tránh thai đã khiến chị một phen hốt hoảng. Chị cho biết đã đặt vòng 14 năm, ngay sau khi sinh con thứ hai.
Cách đây không lâu, thấy người bạn cùng tuổi dính bầu do cái vòng quá hạn 7 năm, lại nhớ mang máng bác sĩ (BS) nói loại vòng mình mang chỉ có tác dụng 8 năm, chị hốt hoảng đến BV thay. Tuy nhiên, khi đến BV, các BS chẳng thấy vòng đâu. Đến khi bệnh nhân quả quyết có đặt, các BS mới chụp phim, siêu âm và phát hiện chiếc vòng “đi lạc” khá sâu trong cơ thể. Việc lấy vòng ra đương nhiên rất phức tạp.
Đăng ký làm thủ thuật tại Khoa Kế hoạch gia đình Bệnh viện Từ Dũ
Những dụng cụ tránh thai quá hạn còn gây không ít rắc rối khác khi bị gãy, vỡ hay lạc vào các vị trí khác của cơ thể. Năm 2014, BV quận Bình Tân đãcấp cứu một phụ nữ 59 tuổi bị hoại tử ruột vì chiếc vòng tránh thai bị bỏ quên 32 năm. Bệnh nhân N.T.P nhập viện vì đau bụng dữ dội, nghi tắc ruột. Kết quả kiểm tra cho thấy chiếc vòng đã lạc vào tận ổ bụng, siết ruột non, gây tắc nghẽn máu đến nuôi ruột.
BS Dương Phương Mai, Phó Giám đốc BV Phụ sản Quốc tế Sài Gòn, cho biết bà cũng từng gặp không ít trường hợp vòng tránh thai quá hạn sử dụng gãy, biến dạng, đi lạc, xuyên vào cơ tử cung... và bệnh nhân chỉ đến lấy ra khi bắt đầu cảm thấy đau. Một biện pháp tránh thai dạng cấy khác là que cấy tránh thai, thoạt nghe tưởng an toàn hơn nhưng thực tế cũng khiến không ít người khổ sở. Do que được cấy dưới da (vùng mặt trong cánh tay) nên hầu như không “đi lạc” gây tổn thương nhưng phụ nữ dễ dàng mang thai ngoài ý muốn nếu đã đến hạn mà quên thay que mới.
2. Mãn kinh vẫn phải đi lấy vòng
Theo BS Nguyễn Ngọc Thông, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe sinh sản TP HCM, dụng cụ tránh thai cấy vào cơ thể dù sao vẫn là một dị vật, không nên để quá hạn hoặc không tái khám đúng hạn. Một sai lầm khác phụ nữ thường gặp là để dụng cụ trong cơ thể khi bước qua tuổi mãn kinh do không sợ mang thai ngoài ý muốn. Tuy nhiên, theo BS Thông, ngay cả trong thời gian còn hạn sử dụng, chị em vẫn phải tái khám theo lịch của BS, nhất là trong tháng đầu sau cấy. Những năm sau, có thể giảm tần suất tái khám nhưng nếu có biểu hiện lạ như bỗng dưng đau bụng, khó chịu, rong kinh, trễ kinh..., bệnh nhân nên đến BV kiểm tra ngay.
BS Dương Phương Mai khuyến cáo các dụng cụ tránh thai dạng cấy vào cơ thể (vòng hoặc que cấy) thường có thời hạn sử dụng khá lâu, tính bằng năm (3, 5, 8, 10 năm...). Phụ nữ khi quyết định sử dụng những dụng cụ này nên chú ý số năm sao cho phù hợp với thời gian mà mình muốn tạm không có con cũng như thay dụng cụ mới khi hết hạn dùng.
3.Cứ vận động thoải mái!
Trái với nhiều phụ nữ thường “bỏ quên” dụng cụ tránh thai trong cơ thể, nhiều người khác lại quá lo lắng, không dám vận động mạnh vì sợ dụng cụ gãy, vỡ, rơi... Theo BS Nguyễn Ngọc Thông, nỗi lo này không cần thiết vì các dụng cụ thường vẫn bảo đảm nằm an toàn trong cơ thể, miễn chưa “quá đát”. Phụ nữ hoàn toàn có thể làm mọi việc bình thường, thậm chí tập thể thao với cường độ nặng khi sử dụng các dụng cụ tránh thai này. Chỉ nên lưu ý trong tuần lễ đầu cấy que, phụ nữ nên hạn chế vận động mạnh để dụng cụ được ổn định. Sau đó, chị em cứ yên tâm bởi loại que mềm dẻo này luôn được cấy ở vị trí ít va chạm.
Đỗ Thị Thanh Thúy
Trung tâm CSSKSS Khánh Hòa
Sưu tầm Theo NLĐ