I/ Sau khi sinh con thì khi nào sự thụ thai trở lại?
Không dễ để xác định thời điểm có thai trở lại. Nói chung là từ khi bắt đầu hành kinh trở lại sau khi sanh, bạn đã có khả năng có thai trở lại, thông thường khoảng thời gian này là 6 tuần lễ hậu sản. Vấn đề là sự hành kinh không phải là sự chỉ điểm chính xác về thời gian bạn có khả năng có thai lại vì sự rụng trứng có thể xảy ra trước khi có kinh. Có rụng trứng nghĩa là bạn có thể có thai. Chu kỳ kinh đầu tiên sau sanh thường không kèm theo sự rụng trứng. Tuy nhiên, sự rụng trứng có thể xảy ra ngay trong chu kỳ đầu tiên sau sanh. Nghĩa là bạn có thể có thai lại ngay sau sanh. Vì vậy, nếu có quan hệ tình dục ngay sau sanh bạn cần phải nghĩ đến việc áp dụng biện pháp tránh thai.
II/ Sử dụng biện pháp ngừa thai nào khi cho con bú?
Khi cho con bú sữa mẹ dùng các biện pháp tránh thai không có hormone thì tốt hơn vì các phương pháp này sẽ không ảnh hưởng đến sữa mẹ. Các biện pháp này bao gồm phương pháp vô kinh khi cho con bú (LAM: Lactation Amenorrhea Method), bao cao su (BCS), vòng tránh thai hay dụng cụ tử cung. Một số phương pháp ít thông dụng hơn là màng ngăn âm đạo, mũ cổ tử cung, thuốc diệt tinh trùng… Thuốc ngừa thai chỉ có progestin, thuốc tiêm DMPA, que cấy Implanon là các phương pháp tránh thai có sử dụng hormone có thể sử dụng được trong khi cho con bú.
III/Các phương pháp ngừa thai không có hormone
1.LAM (Phương pháp vô kinh khi cho con bú)
Cho con bú sữa mẹ không chỉ là điều tốt nhất mà bạn có thể làm cho trẻ mà còn là một cách tránh thai hữu hiệu. Nếu thực hiện đúng cách hiệu quả của phương pháp này có thể lên đến 98%. Những điểm mạnh của phương pháp này là: đơn giản, không có tác dụng phụ, không tốn chi phí nào, không ảnh hưởng đến việc quan hệ tình dục, mang lại nhiều lợi ích cho trẻ và cả cho cơ thể bạn.
Ba điều kiện cần thiết để LAM đạt hiệu quả cao là
- Cho con bú sữa mẹ hoàn toàn.
- Người mẹ chưa có kinh lại trong vòng 56 ngày sau sanh.
- Trẻ dưới 6 tháng.
Cho trẻ bú hoàn toàn sữa mẹ và không sử dụng bình sữa. Động tác mút vú của trẻ đóng vai trò quan trọng trong phương pháp này. Khoảng thời gian giữa các lần cho bú là không quá 4 giờ vào ban ngày và 6 giờ vào ban đêm. Thực ra đối với trẻ sơ sinh thì chỉ cần bạn cho bú đúng theo nhu cầu của trẻ là có thể đáp ứng đúng điều này. Đối với trẻ dưới 6 tháng tỷ lệ thất bại là 2%. Bắt đầu từ sau 6 tháng tỷ lệ này tăng lên trên 5%.
LAM ngăn ngừa sự thụ thai như thế nào? Việc tiết sữa và cho trẻ mút vú ảnh hưởng đến cách mà cơ thể bạn sản xuất các hormone, cụ thể là ức chế các hormone FSH và GnRH. Khi trẻ bú, cơ thể bạn được kích thích tiết ra một loại hormone là Prolactin và hormone này sẽ ức chế FSH và GnRH có vai trò trong việc kích thích sự trưởng thành và rụng trứng dẫn đến ức chế rụng trứng và không có kinh.
Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp tránh thai tạm thời và có giới hạn. Bà mẹ cần cho trẻ bú liên tục và hoàn toàn. Bà mẹ cũng cần có chế độ ăn uống đầy đủ và hợp lý. Khó biết được khi nào việc cho con bú không còn tác dụng tránh thai nữa vì mỗi người mỗi khác. Tất nhiên, khi người mẹ có kinh khi dùng LAM thì cần chuyển qua phương pháp ngừa thai khác.
2.Vòng tránh thai
Đây là một biện pháp tránh thai cực kỳ hiệu quả. Hoàn toàn không ảnh hưởng đến sữa mẹ nên rất thích hợp trong giai đoạn cho con bú. Không đòi hỏi sự tuân thủ nghiêm ngặt, chỉ cần đặt 1 lần. Tuy nhiên thời gian để đặt vòng tránh thai sớm nhất là sau 6 tuần lễ hậu sản để tử cung co hồi lại bình thường. Trong thời gian cho con bú, lượng estrogen giảm dẫn đến sự gia tăng ảnh hưởng của progesterone làm mỏng niêm mạc âm đạo và nhất là tử cung dẫn đến nguy cơ thủng tử cung cao hơn so với bình thường, nhất là các trường hợp sản phụ sinh mổ. Do đây là biện pháp tránh thai hiệu quả rất cao, rẻ tiền, thích hợp trong giai đoạn cho bú nên ngày càng được áp dụng nhiều kết hợp với việc đảm bảo an toàn bằng cách lùi thời gian đặt vòng là sau 2 tháng hậu sản.
3.Bao cao su (BCS)
Một biện pháp phổ biến và hiệu quả nếu sử dụng đúng cách. Đối với người cho con bú thì BCS có thể bắt đầu sử dụng rất sớm ngay sau sanh, ngay lần đầu tiên bạn quan hệ tình dục trở lại, hoàn toàn không ảnh hưởng đến sữa mẹ. Một vài người có thể không thích vì BCS có thể ảnh hưởng đến qúa trình quan hệ nhưng BCS có thể ngăn ngừa các bệnh lây qua đường tình dục, là biện pháp dự phòng cho bất cứ biện pháp tránh thai nào khác.
Ngoài ra còn có các phương pháp ít thông dụng hơn để chọn lựa như: mũ cổ tử cung, màng ngăn, thuốc diệt tinh trùng …
Đỗ Thị Thanh Thúy
Trung tâm CSSKSS Khánh Hòa
Sưu tầm Khoa KHHGĐ - BV Từ Dũ