Không gọi là vết mổ cũ khi vết mổ không nằm trên thân tử cung mà mổ vì những lí do khác như viêm ruột thừa, thủng ruột, thủng dạ dày, mổ bóc hoặc cắt u nang buồng trứng, thai ngoài tử cung ( trừ thai ở góc tử cung)…
Có vết mổ cũ, khi mang thai bạn cần phải làm gì ?
Bạn cần nhớ là không nên có thai quá sớm khi vết mổ cũ còn mới (dưới 18 tháng) vì khi đó dễ bị nứt vết mổ ( vỡ tử cung) gây mất máu đồng thời ảnh hưởng trầm trọng đến thai nhi.
Bạn cần khám thai định kỳ một cách đều đặn theo đúng hẹn.
Bạn cũng cần đưa giấy mổ lần trước cho cán bộ y tế và khai rõ lý do mổ là gì, thời gian nằm viện sau mổ bao nhiêu ngày, có bị nhiễm trùng trong thời gian đó không hoặc có bị can thiệp nào khác hay không, thời gian từ lúc mổ đến nay là bao lâu…
Ngoài ra bạn nên chú ý các dấu hiệu đau vết mổ cũ: đau ngang trên xương mu, đau liên tục, ấn vào đau nhói tăng lên. Khi có các dấu hiệu này là có nguy cơ nứt vết mổ cũ, bạn cần phải đến ngay bệnh viện có khoa sản gần nhất.
Khi mang thai mà có vết mổ cũ, thường bạn sẽ được cho nhập viện trước ngày dự sanh khoảng 1 - 2 tuần. Bạn sẽ được làm đầy đủ các xét nghiệm tiền phẫu và các bác sĩ sẽ đánh giá xem trường hợp của bạn cần mổ lại hay có thể sanh ngả âm đạo.
Vấn đề kế hoạch hóa gia đình
Để tránh mang thai khi vết mổ còn mới (< 18 tháng), ngay sau lần sanh mổ đầu tiên bạn nên lưu ý vấn đề ngừa thai.
Để chọn lựa phương pháp ngừa thai thích hợp bạn nên tham vấn bác sĩ. Tốt nhất là từ 2 năm trở lên bạn hãy để có thai lại.
Khi bạn đã mổ lấy thai 2 lần và có đủ con rồi thì không nên sanh nữa do đó cần thiết phải ngừa thai đúng.
Đặc biệt, đối với những người đã mổ 2 lần rồi mà chưa đủ con thì cũng có thể sanh mổ lần 3 nhưng nguy cơ nứt vết mổ cũ rất cao, cần phải được khám thai và theo dõi cẩn thận.
Các tổ chức y tế khuyên bạn sau lần mổ thứ 3 nên triệt sản để bảo đảm an toàn cho bạn.
BS.Trần Thị Quỳnh Uyên
Trung tâm CSSKSS Khánh Hòa
Nguồn: Sản phụ khoa- ĐHYD tp HCM
Thực hành sản phụ khoa- bệnh viện Từ Dũ