Chiều cao ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố như di truyền, dinh dưỡng, bệnh tật, môi trường sống và luyện tập thể dục thể thao...trong đó, dinh dưỡng là yếu tố rất quan trọng và chúng ta có thể cải thiện được tình trạng dinh dưỡng trong nếu quan tâm đến việc nuôi dưỡng con cái. Vậy, cần phải có chế độ dinh dưỡng như thế nào để chiều cao của trẻ có thể phát triển một cách tối ưu nhất?
Để có sự tăng trưởng chiều cao liên tục, cơ thể trẻ cần tiếp nhận đầy đủ năng lượng cần thiết hàng ngày, trẻ có tăng cân tốt thì mới tăng chiều cao được. Bữa ăn của trẻ bao giờ cũng phải đầy đủ 4 nhóm thực phẩm: Tinh bột, chất đạm, chất béo - rau quả. Chất đạm nên chiếm khoảng 10 - 15% tổng năng lượng nói chung, tinh bột chiếm 50 - 55% và chất béo 30%. Để cung cấp đủ năng lượng cần đảm bảo cho trẻ ăn đủ bữa trong ngày, không cho trẻ ăn uống qua loa hoặc bỏ bữa.
Ngoài vấn đề năng lượng thì những vi chất dinh dưỡng đã được các nhà khoa học chứng minh là có liên quan đến tăng trưởng chiều cao đó là: Canxi, vitamin D, vitamin A, kẽm, iốt...
Canxi có chức năng cơ bản trong quá trình tạo xương, tạo răng và cần thiết cho sự phát triển chiều cao của trẻ. Ngoài ra canxi còn tham gia vào quá trình đông máu, dẫn truyền xung động thần kinh, vào co cơ… Trong những tháng đầu đời, lượng canxi trong sữa mẹ sẽ cung cấp đủ nhu cầu cho trẻ, khoảng 50mg/kg/ngày. Sữa nhân tạo có lượng canxi cao hơn nhưng hấp thu ít hơn sữa mẹ. Khi trẻ bắt đầu ăn dặm, lượng canxi được cung cấp từ nguồn thức ăn sẽ được hấp thu khoảng 75%. Các loại thực phẩm chứa nhiều canxi như sữa, các sản phẩm từ sữa, tôm và một số hải sản.
Vitamin D cũng có vai trò quan trọng trong việc phát triển chiều cao của trẻ. Cơ chế hoạt động của Vitamin D là điều hòa chuyển hóa canxi và phốt pho trong cơ thể, giúp tăng hấp thu canxi tại ruột non, Vitamin D làm tăng hấp thu từ 10 – 30% lượng canxi ở đường ruột. Thiếu vitamin D cản trở sự hấp thu canxi và phốt pho từ ruột, dẫn đến còi xương. Đây là một bệnh thường gặp trong những năm đầu đời của trẻ, nếu phát hiện và điều trị muộn thì có thể để lại di chứng về sau. Vitamin D có nhiều trong những thực phẩm có nguồn gốc động vật như trứng, sữa, bơ, gan heo, bò, gan cá. Tuy nhiên đối với với người, nguồn vitamin D do cơ thể tự tổng hợp cũng rất quan trọng. Cơ thể có thể tổng hợp vitamin D dưới tác dụng từ tia cực tím của ánh sáng mặt trời. Vì vậy việc cho trẻ tắm nắng vào buổi sáng hoặc chiều tối từ 15 – 20 phút/ngày là cần thiết để tạo vitamin D phòng chống còi xương.
Vitamin A- ngoài vai trò với mắt, còn giúp cho sự tăng trưởng của xương, tăng cường miễn dịch, tăng sức đề kháng cho trẻ. Vitamin A có nhiều trong gan động vật, lòng đỏ trứng, các loại quả có màu vàng và các loại rau có màu xanh đậm.
Cần nhớ rằng vitamin A vitamin D hấp thu và chuyển hóa dễ dàng hơn trong môi trường có nhiều chất béo, vì vậy một bữa ăn không có hoặc quá ít dầu mỡ sẽ hạn chế hấp thu các loại vitamin này.
Các yếu tố vi lượng cũng đóng vai trò quan trọng để phát triển chiều cao của trẻ, đặc biệt là kẽm và iốt. Kẽm tham gia vào rất nhiều thành phần các enzym trong cơ thể, giúp tăng tổng hợp protein, phân chia tế bào, thúc đẩy sự tăng trưởng. Trẻ em thiếu kẽm thường biếng ăn, còi cọc và chậm lớn. Kẽm có nhiều ở các thức ăn động vật như thịt gia súc, gia cầm, cá, tôm , cua… Thực phẩm có nguồn gốc thực vật thường chứa ít kẽm trừ phầm mầm của các loại hạt.
Iốt là thành phần của nội tiết tố tuyến giáp, nội tiết tố này có vai trò thúc đẩy sự tăng trưởng của cơ thể, khi thiếu iốt trẻ sẽ bị thiểu năng tuyến giáp có thể bị lùn do suy giáp trạng. Những thực phẩm có nguồn gốc từ biển như cá và hải sản, các loại rau tảo biển thường có nồng độ iốt cao. Hiện nay ở Việt Nam một số thực phẩm đã bổ sung iốt như muối ăn, nước mắm …
Chiều cao của trẻ quyết định đến tầm vóc của một thế hệ tương lai. Vì vậy gia đình, cộng đồng cần quan tâm nuôi dưỡng trẻ tốt và có khoa học để con cái của chúng ta có thể cao hơn, khỏe mạnh và có sức bền hơn, qua đó góp phần ngày càng giảm nhanh tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi ./.