SÁU SAI LẦM "CHẾT NGƯỜI" KHI CHĂM CON ỐM

25/03/2015 14:31        
1. Lạm dụng paracetamol
Paracetamol là loại thuốc hạ sốt dùng quá phổ biến, và chính sự phổ biến này khiến tình trạng ngộ độc paracetamol ngày càng có xu hướng tăng lên. Trong thực tế điều trị, các bác sĩ cũng “phát hoảng” bởi nhiều ứng xử quá “linh hoạt” của người bệnh với thuốc. Để dụ con uống thuốc, nhiều người nói với bé là nước siro ngọt, kẹo… nên khi thuốc trong tầm với, trẻ vô tư uống luôn. Khoa Nhi từng cấp cứu bé gái 7 tuổi uống cùng lúc hết 4 viên tensin - flu (paracetamol) với hàm lượng 500mg. Sau 3 tiếng, trẻ xuất hiện các biểu hiện kích thích hơn bình thường, gia đình hỏi mới biết là bé đã uống hết vỉ thuốc.

Tại Việt Nam cũng có những ca ngộ độc paracetamol ở trẻ em do dùng thuốc này quá bừa bãi. Hơn nữa, cùng hoạt chất paracetamol nhưng có rất nhiều loại thuốc với nhiều nhãn hiệu khác nhau. Có những người vừa cho con uống thuốc hạ sốt efferalgan, lại uống thêm Decolgen để chữa sổ mũi trong khi loại thuốc này cũng chứa paracetamol. Hay khi chưa được 4 tiếng con đã sốt lại, nhiều người vẫn vô tư dùng, vì nghĩ cứ sốt là uống mà không lường hết nguy cơ của việc lạm dụng thuốc.

2. Tự ý xông mũi họng tại nhà cho trẻ
Khi thấy trẻ có dấu hiệu viêm đường hô hấp, nhiều cha mẹ đã tự mua máy xông mũi họng tại nhà cho trẻ. PGS. Dũng khẳng định tuyệt đối không xông tại nhà, bởi lẽ thuốc qua máy xông nhìn tưởng đơn giản nhưng lại có nhiều tác hại. Nếu bị co thắt phế quản đột ngột ngay lúc xông làm cho em bé bị tắt thở luôn. Khoa Nhi, BV Bạch Mai đã từng chữa hai trường hợp tự chữa ở nhà, rất nguy hiểm.

Hơn nữa, xông như vậy rất tốn kém, mỗi một lần xông phải vứt luôn đi và thay bằng bộ mới. Còn nếu dùng đi dùng lại là ổ nhiễm vi khuẩn, lợi bất cập hại, trẻ thở qua nguồn lây nhiễm bệnh tật trong máy xông.

Các thuốc xông qua máy xông hiện chỉ dùng để chữa hen hoặc viêm tiểu phế quản nặng ở trẻ em. Trước kia người ta xông họng để chữa dị ứng nhưng hiện nay người ta có thuốc dạng xịt để chữa. Máy xông chỉ nên dùng ở bệnh viện và trẻ mắc bệnh nặng. Nếu bị nhẹ chỉ cần dùng các thuốc xịt, an toàn hơn nhiều.

Để tránh trẻ mắc bệnh đường hô hấp, PGS. Dũng khuyên, trước hết là cải thiện môi trường sống, trong đó đặc biệt nhà ở chật chội, đông người, không thông gió, có người hút thuốc, khói bụi bay vào nhà... Nếu cải thiện môi trường ngay tại nhà cũng có thể giảm mắc và tăng sức đề kháng cho trẻ, dinh dưỡng tốt, nuôi con sữa mẹ, tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ: các loại sởi, ho gà, bạch hầu...

3. Cho trẻ uống thuốc người lớn
Trong thực tế điều trị, các bác sĩ gặp phải không ít tình trạng dở khóc dở cười khi một số cha mẹ cho con uống thuốc một cách vô tội vạ. Thấy con nôn, phụ huynh vội thuốc thuốc chống nôn, con nôn lại uống lại vì sợ mất thuốc… dẫn đến quá liều, trẻ bị co giật, cứng cơ toàn thân rất nguy hiểm.

Do đó, khi cho trẻ uống thuốc, nhất thiết cha mẹ cần xem kỹ đơn hướng dẫn sử dụng của bác sĩ, dọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc và tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định, tránh những sai lầm đáng tiếc có thể nguy hại đến sức khỏe trẻ.

4. Chia nhỏ gói oresol
Sai lầm chết người cũng gặp với oresol tưởng như rất đơn giản trong sử dụng, nhưng nhiều trẻ cũng bị ngộ độc nguy kịch bởi sự “sáng tạo” của người thân. PGS Dũng cho biết, nhiều người rất hay có thói quen chia nhỏ gói oresol uống thành nhiều lần, nhất là khi pha cho trẻ nhỏ, trong khi đáng lẽ phải hòa tan hết 1 gói oresol trong 200ml nước mới đảm bảo nồng độ các chất, bù nước cho cơ thể bị mất khi tiêu chảy.

“Khi uống oresol với nồng độ quá đặc như thế sẽ khiến hàm lượng muối trong máu tăng lên, gây tình trạng ưu trương (quá nhiều muối trong máu) khiến áp lực thẩm thấu trong máu cao hơn bình thường, “hút” nước từ tế bào, khiến tế bào bị hút hết nước nên bị teo tóp lại. Lúc này, trẻ có biểu hiện da nhăn, khô, mắt trũng… Điều nguy hiểm nhất lúc này, đó là vì bị hút nước nên tế bào não bị teo tóp lại, gây tổn thương tế bào não, khiến trẻ bị co giật, sốt cao, vật vã, kích thích, hôn mê. Nếu không biết để cấp cứu kịp thời có thể đe dọa tính mạng trẻ”, TS Dũng nói.

Một sai lầm nữa là cha mẹ thường hay dùng chung một thìa khi cho trẻ ăn hoặc không chịu vệ sinh thìa, dụng cụ đựng đồ ăn của trẻ. Chẳng hạn, vừa dùng thìa cho trẻ uống nước lọc, uống thuốc lại tiếp tục dùng cho trẻ uống oresol và các thức uống khác...

Các bác sĩ khuyến cáo, người dân cần hết sức chú ý đọc hướng dẫn của nhà sản xuất trước khi sử dụng dung dịch bù nước đường uống, đặc biệt với trẻ nhỏ.

5. Ép con ăn nhiều để tăng cân
Sau trận ốm kéo dài khiến cơ thể trẻ mệt mỏi, sút cân, một số bậc phụ huynh có tâm lý lo lắng nên ép con ăn một cách thái quá gây tác dụng ngược. Có những trẻ chỉ ăn cơm canh, hầu như không nhai mà chỉ “nuốt chửng” và không chịu ăn thức ăn thịt, cá… PGS. Dũng khuyên cha mẹ cần tập luyện cho con quen dần các món ăn để đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, nhưng không được gượng ép, quát nạt, thúc giục.

Trước mắt trẻ chưa thích ăn thịt cá thì hãy cho trẻ ăn trứng xem sao. Luyện một vài bữa cho quen khẩu vị rồi tiếp đến cho ăn thịt lợn nạc... Cho trẻ ăn cùng mâm cơm với các trẻ khác thích ăn thịt, cá khiến chúng vui đùa và "tranh nhau" ăn theo. Điều đó sẽ khiến trẻ vượt qua cảm giác không muốn ăn.

Trẻ mới ốm dậy cũng cần đề phòng nhiễm các bệnh viêm phổi, phòng các bệnh đường hô hấp nên phải có chế độ dinh dưỡng tốt, cải thiện môi trường sống trong nhà: vệ sinh nhà, không để bụi khói vào phòng ngủ, đặc biệt phòng ngủ phải thông thoáng, không đóng kín cửa… Nếu trẻ bị ho, sốt cần quan sát xem cháu thở như thế nào. Nếu ho sốt mà trẻ vẫn ăn, chơi bình thường thì không cần đi khám; trẻ thở bất thường cần đưa đi khám ngay.

6. Nấu một bữa, ăn cả ngày
Các bệnh đường tiêu hóa, đường ruột thường xâm nhập qua đường miệng. Khi trẻ đến tuổi ăn dặm, trẻ rất hay bị rối loạn tiêu hóa. Do đó, cha mẹ cần hết sức lưu ý quá trình mua, lưu trữ, chế biến và bảo quản thức ăn. Trong quá trình đó nếu có giai đoạn bị mất vệ sinh dễ gây nhiễm khuẩn đường ruột ở trẻ.

Một sai lầm mà phụ huynh hay mắc phải đó là "nấu một bữa, ăn cả ngày", để liu cĩu thức ăn từ sáng đến chiều hoặc để qua đêm; trữ thức ăn chín trong tủ lạnh rồi mang ra hâm lại… Điều này dễ khiến trẻ bị tiêu chảy nhiễm khuẩn, giảm sức đề kháng của trẻ.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) đã chỉ rõ những sai lầm nghiêm trọng mà cha mẹ rất hay mắc phải khi chăm sóc trẻ bị ốm.
Phan Thị Lê Na
TRung tâm CSSKSS Khánh Hòa.


Nguồn : afamily.vn




 

Liên kết