DIỄN ĐÀN TRI THỨC NĂM 2023

21/11/2023 14:54        

.BSCKII. TRẦN THỊ QUỲNH UYÊN

          Ngày 17/11/2023 Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật tỉnh Khánh Hòa phối hợp với Sở Y tế tỉnh đã tổ chức diễn đàn tri thức lần thứ 2 với chủ đề:  “THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP CHĂM SÓC SỨC KHỎE SINH SẢN TRONG CÁC CƠ SỞ Y TẾ HIỆN NAY TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA”

               Các chuyên gia trình bày báo cáo khoa học tại Diễn đàn tri thức lần thứ 2 năm 2023         

Tại diễn đàn có 5 báo cáo tham luận được trình bày, nổi bật là tham luận của Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản:“THỰC TRẠNG CHĂM SÓC SỨC KHỎE SINH SẢN TRONG CÁC CƠ SỞ Y TẾ CÔNG LẬP TẠI KHÁNH HÒA” đã nêu lên những thành tựu đã và đang đạt được cũng như những khó khăn hạn chế của công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản trong hệ thống y tế công lập hiện nay.

          - Năm 2022 công tác Chăm sóc sức khỏe bà mẹ đạt kết quả cao: tỷ lệ phụ nữ khám thai 4 lần vào 3 thời kỳ thai nghén đạt 93,2%; Tỷ lệ phụ nữ đẻ được cán bộ y tế qua đào tạo đỡ đạt 99,9%; Tỷ lệ phụ nữ đẻ tại cơ sở y tế đạt 99,5%; Tỷ lệ bà mẹ và trẻ sơ sinh được chăm sóc sau sinh đạt 94,6%; Năm 2022 có 33 trường hợp tai biến sản khoa, chiếm tỷ suất 2,5‰; Không có ca tử vong mẹ nào được ghi nhận;

          - Công tác phòng chống nhiễm khuẩn đường sinh sản và dự phòng ung thư cổ tử cung cũng đạt được kết quả đáng kể: Khám phụ khoa đạt 93,9% chỉ tiêu kế hoạch năm, điều trị phụ khoa đạt 97,3% chỉ tiêu kế hoạch năm; Nghiệm pháp VIA/VILI để tầm soát ung thư cổ tử cung đạt 81,3% kế hoạch năm.

         - Công tác Chăm sóc sức khoẻ sinh sản vị thành niên: Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản đã tham mưu xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục vị thành niên, thanh niên giai đoạn 2021- 2025.  Duy trì hoạt động tư vấn và khám sức khoẻ tiền hôn nhân tại các câu lạc bộ và điểm cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản vị thành niên. Toàn tỉnh có 3 câu lạc bộ tại Cam Ranh, Vạn Ninh, Diên Khánh và 2 điểm cung cấp dịch vụ tại Cam Ranh, Vạn  Ninh.

         - Công tác dự phòng lây truyền HIV, Viêm gan B và Giang mai từ mẹ sang con. Trong năm 2022, toàn tỉnh có 44,4% phụ nữ đẻ được xét nghiệm HIV trong thời kỳ mang thai; 50,1% phụ nữ đẻ được xét nghiệm viêm gan B trong thời kỳ mang thai; 41,4% phụ nữ đẻ được xét nghiệm giang mai trong thời kỳ mang thai.

         - Công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em: Tỷ lệ trẻ đẻ dưới 2500gr 4,0 %;  Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi 3,0 ‰; Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi 3,5 ‰;

         - Hoạt động Cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em: Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản phối hợp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật xây dựng và triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia tại địa phương giai đoạn 2021-2025 và năm 2022thực hiện các Dự án cải thiện dinh dưỡng thuộc chương trình Giảm nghèo bền vững, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, chương trình MTQG phát triển KTXH vùng ĐBDTTS và miền núi.

         - Tổ chức tổng cân vào tháng 6 năm 2022, kết quả: Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng cân nặng/tuổi: 7,1% giảm 0,2% so với năm 2021 (7,3%).  Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng chiều cao/tuổi: 8,2% giảm 0,3% so với năm 2021 (8,5%).

         - Các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình hiện nay rất đa dạng và phong phú kể cả về chủng loại lẫn loại hình cung cấp. Năm 2022 biện pháp tránh thai hiện đại được cung cấp là 37 017, trong đó dụng cụ tử cung, thuốc tiêm và thuốc uống tránh thai có tỷ lệ được sử dụng cao nhất.

         - Công tác kế hoạch, chỉ đạo tuyến được Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản phối hợp với các đơn vị xây dựng và tham mưu Sở Y tế triển khai đầy đủ các chương trình hoạt động theo chỉ đạo của bộ Y tế và Vụ Sức khỏe Bà mẹ trẻ em như chương trình mục tiêu quốc gia, giao ban quý, đào tạo tập huấn, giám sát hỗ trợ…

           Để đạt được thành tích đáng kể như trên, nghành Y tế Khánh Hòa nói chung và các đơn vị Y tế từ Trung tâm CSSKSS tỉnh đến địa phương đã không ngừng nỗ lực phấn đấu cùng với sự chung tay hỗ trợ của các cấp lãnh đạo, các Ban nghành đoàn thể… tạo điều kiện điều kiện thuận lợi như:

+ Mạng lưới y tế về chăm sóc sức khoẻ sinh sản được xây dựng và không ngừng được củng cố, hoàn thiện từ tuyến tỉnh đến tận xã, phường và các thôn, bản.

+ Có chế độ ưu đãi và các chính sách thu hút nhân tài theo từng đối tượng (bác sĩ đa khoa, chuyên khoa, chuyên gia…), ưu tiên nhiều hơn khi bác sĩ tự nguyện đến công tác ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo.

+ Cán bộ y tế được tạo điều kiện học tập nâng cao trình độ chuyên môn, đào tạo chuyên khoa;  Y sĩ cộng đồng tại địa phương được tạo điều kiện học liên thông lên bác sĩ.

+ Hầu hết hộ sinh trung học đã được chuẩn hóa thành hệ cao đẳng/đại học; Cán bộ y tế xã, phường và thôn, bản đều được đào tạo và có kỹ năng cơ bản về chăm sóc sức khỏe sinh sản.

          Bên cạnh những thuận lợi, còn tồn tại rất nhiều khó khăn, hạn chế:

         Mặc dù Ủy Ban Nhân Dân tỉnh khánh Hòa đã ban hành nhiều chính sách với chế độ đãi ngộ cao để tuyển dụng nhân tài phục vụ cho nghành y tế, đã tổ chức và tạo điều kiện để các địa phương cử cán bộ tham gia học liên thông từ y sĩ lên bác sĩ đa khoa, sau đó học chuyên khoa, nhằm đào tạo lực lượng bác sĩ là người địa phương. Tuy nhiên, tỷ lệ Trung tâm y tế, trạm y tế xã, phường có bác sĩ chuyên khoa sản và nhi quá thấp (đặc biệt là nhi sơ sinh), đội trưởng/trưởng khoa CSSKSS có trình độ mới là y sĩ hoặc nữ hộ sinh, dẫn đến nhiều khó khăn hạn chế khi triển khai hoạt động chuyên môn tại địa phương, đặc biệt là người dân nghèo, ở vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn, vùng nhiều đồng bào dân tộc thiểu số.

        + Sau đại dịch Covid-19, cơ sở vật chất các Trung tâm y tế bị hư hỏng càng nặng hơn, một số nhà của trạm y tế xã phường cũng xuống cấp và chưa kịp sữa chữa nâng cấp gây ảnh hưởng rất nhiều đến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

        + Việc đầu tư nâng cấp trang thiết bị, mua sắm hóa chất, vật tư và thuốc thiết yếu gặp nhiều khó khăn vì phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính phức tạp, thanh quyết toán chậm trễ dẫn đến không có thuốc và vật tư y tế hoặc không cung cấp kịp thời, không đủ để phục vụ người dân.

        + Có ít cơ sở y tế thực hiện được xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung bằng phương pháp Papanicolaou và do không được thanh toán Bảo hiểm y tế, người dân sợ tốn kém dẫn đến tỷ lệ phụ nữ tự nguyện tham gia sàng lọc thấp. Nghiệm pháp VIA/VILI dù đơn giản và ít tốn kém nhưng cũng đạt tỷ lệ không cao do các đơn vị y tế gặp nhiều khó khắn khi mua hóa chất.

         + Các kinh phí Chương trình Mục tiêu quốc gia được cấp về chậm nên ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện các kế hoạch. Đa số tập trung vào cuối năm dẫn đến tình trạng chồng chéo nhiều chương trình.

         + Nhân lực y tế tại tuyến xã quá mỏng do đó đội ngũ cộng tác viên dinh dưỡng tại địa phương đã hỗ trợ rất nhiều cho công tác cộng đồng. Tuy nhiên, mấy năm gần đây không có kinh phí hỗ trợ bồi dưỡng cho họ đã gây ảnh hưởng đến chất lượng và tiến độ hoạt động của chương trình chăm sóc dinh dưỡng và sức khỏe trẻ em tại tuyến cơ sở.

         + Tỷ lệ phụ nữ được tư vấn, xét nghiệm tự nguyện các bệnh lây truyền HIV, Viêm gan B và Giang mai từ mẹ sang con chưa cao do ý thức người dân còn chủ quan và sợ tốn kém vì không được Bảo hiểm y tế thanh toán, cơ sở y tế thực hiện được dịch vụ này phần lớn phụ thuộc vào địa điểm mà người phụ nữ lựa chọn để sinh nở.

         + Hiện nay trên địa bàn tỉnh có rất nhiều cơ sở y tế tư nhân có quy mô lớn với trang thiết bị hiện đại, dịch vụ đa dạng, thủ tục nhanh gọn đơn giản. Các đơn vị này đều có thực hiện khám Bảo hiểm y tế nên đã thu hút lượng lớn khách hàng và bệnh nhân truyền thống từ cơ sở y tế công lập.

         Giải pháp để nâng cao hiệu quả và chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản trong các cơ sở y tế công lập chính là làm sao giải quyết, tháo gỡ các khó khăn hạn chế nêu trên./.

 

Liên kết